Sẽ không còn câu chuyện học sinh được đào tạo nghề khi ra trường phải chạy đôn, chạy đáo tìm việc và mỏi mòn chờ đợi. Đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Quảng Ngãi đã chuyển sang mô hình mới, đó là: Việc làm chờ người lao động, hay còn gọi là đào nghề theo đơn đặt hàng.
Điển hình là Trường Cao đẳng Kỹ nghệ Dung Quất, nơi cung ứng mỗi năm hàng ngàn lao động có tay nghề trong cả nước. Việc tổ chức đào tạo theo hình thức “Trường nghề “bắt tay” doanh nghiệp” trong vài năm qua đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Số lượng lao động ở nông thôn trong tỉnh qua đào tạo nghề và có việc làm ngày càng tăng, góp phần quan trọng vào cơ cấu tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Chỉ tính riêng khu công nghiệp Việt Nam-Singapore (VSIP) đóng trên địa bàn tỉnh trong những năm qua đã xem trường Cao đẳng Kỹ nghệ Dung Quất là địa chỉ đáng tin cậy, nơi cung ứng gần như 80% nguồn nhân lực cho các công ty, nhà máy đóng tại đây, năm 2015: Trường Cao đẳng Kỹ nghệ Dung Quất đã đào tạo và cung ứng cho Công ty TNHH King Riches Việt Nam Footwear với số lượng là 1129 học viên ngành Sản xuất hàng da, giày, túi xách. Năm 2016: Đào tạo và cung ứng cho Công ty TNHH Properwell Việt Nam với số lượng là 371 học viên ngành Sản xuất hàng da, giày, túi xách, Công ty FiveStars: 60 học viên. Trong năm 2017 trường đã đào tạo và cung ứng cho Công ty TNHH Properwell Việt Nam với số lượng là 355 học viên ngành Sản xuất hàng da, giày, túi xách. Đào tạo và cung ứng cho Công ty TNHH South Sea LaetherWWares với số lượng là 41 học viên ngành Sản xuất hàng da, giày, túi xách.
Ngoài ra, Trường còn đào tạo 390 học viên các chuyên ngành: Điện Công nghiệp, Điện Dân dụng, Sữa chữa máy công nghiệp, Gò hàn, Nghiệp vụ xăng dầu, Kỹ thuật xây dựng, Hàn điện, Chế biến cá, tôm, mực, nước mắm cung ứng cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.
Một đơn vị khác là Trường Trung cấp nghề Quảng Ngãi cũng tham gia đào tạo và bổ sung nguồn nhân lực cho cácđơn vị trong và ngoài tỉnh, đặc biệt là đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong năm 2017 cũng rất khởi sắc. Nhà trường đã đào tạo và cung ứng gần 100 lao động cho công ty TNHH South Sea LaetherWWares công nhân ngành Sản xuất hàng da, giày, túi xách. Đào tạo 35 học viên chuyên ngành nấu ăn.
Trong vài năm trở lại đây tỷ lệ học viên được tham gia học nghề theo đế án 1956 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã tăng lên rõ rệt, đây là những tín hiệu khởi sắc khi số doanh nghiệp tham gia hoạt động tại tỉnh ngày càng tăng. Đây là những tín hiệu rất đáng mừng trong khi tỉnh Quảng Ngãi đang phấn đấu đến năm 2020 sẽ trở thành tỉnh công nghiệp, thì kênh giải quyết việc làm này đã góp phần không nhỏ.
Ông Lương Kim Sơn - GĐ sở LĐ-TB&XH Quảng Ngãi
Sau 7 năm, toàn tỉnh đã đào tạo nghề ở cả 3 cấp trình độ cho 87.000 lao động nông thôn. Bình quân mỗi năm đào tạo nghề khoảng 14.700 lao động, trong đó, số lao động được hỗ trợ chi phí học nghề (trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 03 tháng) khoảng 7.800 người/năm, gồm: học nghề nông nghiệp là 3.000 người, tỷ lệ 38,5%; học nghề phi nông nghiệp 4.800 người, tỷ lệ 61,5%. Số lao động nông thôn còn lại được đào tạo theo hướng xã hội hóa, huy động nguồn lực để thực hiện đạt mục tiêu của Đề án. Tỷ lệ lao động có việc làm sau khi được đào tạo nghề tối thiểu đạt 70%. Đào tạo và bồi dưỡng kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, năng lực quản lý theo chức danh, từng vị trí công việc đáp ứng yêu cầu của công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành, thực thi công vụ cho 6.000 lượt các cán bộ, công chức xã.
Kết quả, tổng số lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề theo chính sách Đề án 1956 trong 7 năm giai đoạn 2010 – 2016 là 37.518 người. Cụ thể: năm 2010: 3.314 người; năm 2011: 3.064 người; năm 2012: 7.366 người; năm 2013: 7.764 người; năm 2014: 7.838 người; năm 2015: 6.787 người; năm 2016: 1.385 người. Bao gồm các đối tượng như sau: Lao động thuộc diện hộ gia đình có công cách mạng, hộ nghèo, đồng bào DTTS, người khuyết tật, người bị thu hồi đất: 11.854 người. Lao động thuộc diện hộ cận nghèo: 182 người; Lao động nông thôn khác: 25.482 người. Tổng số LĐNT được hỗ trợ học nghề đã học xong: 37.518 người, số có việc làm 34.619, đạt 90%.
Ông Nguyễn Hồng Tây - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ nghệ Dung Quất:
Phương thức đào tạo nghề cho lao động nông thôn của chúng tôi là nắm bắt nhu cầu doanh nghiệp, ký biên bản ghi nhớ với họ, sau đó chúng tôi tổ chức tuyển sinh, đào tạo cơ bản từ khoảng 1 đến 1,5 tháng tại trường, sau đó những học viên nào đăng ký ngành nghề cụ thể sẽ được thực tập thực tế tại doanh nghiệp mình sẽ làm việc sắp tới với một nửa thời gian còn lại. Như vậy là, sau khoảng 3 tháng đào tạo cơ bản và thực hành tại doanh nghiệp, người lao động đã gần như nắm bắt toàn bộ công việc. Thậm chí, trong quá trình đào tạo lý thuyết tại trường, các chuyên gia kỹ thuật của doanh nghiệp cũng có thể tham gia giảng dạy và cùng tham gia biên soạn giáo án cho sát thực tế, tránh tình trạng học sinh phải học quá nhiều kiến thức không thực tiễn.
Trong những năm gần đây, với nhu cầu tuyển dụng ngày càng tăng, nhà trường đã mở rộng quan hệ với nhiều doanh nghiệp và ngoài tỉnh, không chỉ cung ứng nguồn nhân lực cho họ mà nhà trường còn tham gia kết nghĩa nhằm hoàn chỉnh hệ thống giáo trình, trang thiết bị sát với thực tiễn. Điều này cho phép nhà trường có thể đào tạo một nguồn lao động nhiều nhưng không dư thừa vì không việc làm. Hầu như 100% học viên khi tham gia học tại trường đã có địa chỉ làm việc, sẽ không còn chuyện học sinh khi tốt nghiệp phải đi xin việc khắp nơi. Với mô hình đào tạo này học viên hoàn toàn yên gâm khi tham các khóa đào tạo tại trường.
Trước trong và sau các dịp tết nhà trường luôn tổ chức các chương trình tuyên truyền, tuyển sinh cho các lao động đi làm ăn xa về ăn tết biết thông tin nhu cầu tuyển dụng trong tỉnh như ngành nghề, thu nhập để người lao động có sự lựa chọn, so sánh công việc hiện tại ở nơi xa và công việc sắp tới tại địa phương. Chính vì làm tốt công tác tuyên truyền nên số lượng lao động tham gia đăng ký hợp đồng sau các dịp tết đang dần tăng lên.
Ông Võ Đình Tá - Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Quảng Ngãi:
Hiện nay, đơn đặt hàng cung ứng nguồn lao động rất nhiều, nhất là tại KCN Vsip Quảng Ngãi mỗi năm đều có nhu cầu tuyển hàng ngàn lao động trong các lĩnh vực giày da, may mặc...Song, khâu khó nhất của chúng tôi hiện nay là tuyển sinh. Học viên tham gia chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn được miễn phí hoàn toàn học phí và giới thiệu việc làm. Nhưng trong năm 2017, tỷ lệ tuyển sinh của chúng tôi chưa cao, chưa đáp ứng hết được nhu cầu đặt hàng từ các doanh nghiệp. Mặc dù đã làm việc với các địa phương thông qua nhiều hội-đoàn thể như : Hội nông dân, hội phụ nữ nhưng nguồn cung hiện nay là rất ít, tỷ lệ học sinh tham gia học nghề ngày càng giảm.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, nhưng nhìn chung tỷ lệ học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở tham gia học nghề ngày càng giảm vì số trường đại học mở ra quá nhiều. Không ít học sinh đã tốt nghiệp đại học sau vài năm không xin được làm đã đến đăng ký tham gia học nghề để tìm việc làm.
Nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo cho lĩnh vực đào tạo nghề nông thôn, trong thời gian tới nhà trường sẽ tinh giảm số khoa ngành không phù hợp, phối hợp, liên kết mở thêm một số ngành nghề như : hướng dẫn viên du lịch, nấu ăn...nhằm đa dạng hóa ngành nghề, giúp học viên có nhiều lựa chọn phù hợp với sở thích, trình độ khi tham gia học nghề.
(Theo Đông Hải - baodansinh.vn)