Không có một giáo trình rập khuôn nào cả, chỉ có những mô hình là thật. Từ đó, người dạy và người học phải tự tư duy để hoàn thành môn học từ lý thuyết đến thực hành. Câu chuyện “Thầy Tây” dạy nghề cho người Việt bắt nguồn từ ý tưởng xem chừng là ngược đời này lại cho hiệu quả đầy bất ngờ.
Chúng tôi đến thăm Khu đào tạo và đánh giá kỹ năng nghề-nghề công nghiệp ô tô trong khuôn viên Trường cao đẳng Kỹ nghệ Dung Quất thuộc Bộ LĐ-TB&XH (TCĐKNDQ) đúng vào dịp ông Jean Jaeques, đại diện cho Dự án đầu tư và phát triển các trường dạy nghề chất lượng cao sử dụng vốn ODA của Chính Phủ Pháp tài trợ đến chào tạm biệt Ban giám hiệu nhà trường khi kết thúc khóa đào tạo. Theo ông Jean Jaeques, sau 2 tháng quay lại trường mọi việc đã đi vào qui củ hơn, không khí học tập đã được chuẩn hóa và điều đặc biệt là nhà trường đã thực hiện tốt phương châm 5S như đã đề ra.
5S mà ông Jean Jaeques nhắc tới chính là: 1. Seiri: Sàng lọc loại bỏ những thứ không cần thiết ra khỏi nơi làm việc. 2. Seiton: Mọi thứ ngăn nắp, theo một trật tự nhất định, tiện lợi khi sử dụng. 3. Seiso: Vệ sinh sạch sẽ sao cho không còn rác hay bụi bẩn tại nơi làm việc. 4. Seiketsu: Luôn săn sóc, giữ gìn nơi làm việc luôn sạch sẽ, thuận tiện và có năng suất bằng cách liên tục thực hiện Seiri, Seiton, Seiketsu. 5. Shitsuke: Tạo thành một nề nếp sẵn sàng, thói quen tự giác làm việc tốt, duy trì môi trường làm việc thuận tiện.
Đây là một trong tiêu chuẩn bắt buộc của khóa học và học viên sẽ phải thực hiện trong suốt quá trình làm việc sau này. Một bảng hiệu lớn đặt ngay giữa nhà xưởng thực hành và lý thuyết với dòng chữ: Vì một môi trường sạch đẹp, ngăn nắp, khoa học, sáng tạo, hãy chung tay thực hiện 5S như một hiệu lệnh không chỉ với học viên, mà chính các giáo viên giảng phải là người đi đầu thực hiện việc này.
Thầy Nguyễn Hồng Tây và ông Jean Jaeques trong buổi tọa đàm trước khi chia tay kết thúc khóa đào tạo.
Đánh giá về kết quả xây dựng và học tập trong thời gian qua của Khu đào tạo và đánh giá kỹ năng nghề-nghề công nghiệp ô tô, thầy Nguyễn Hồng Tây-Hiệu trưởng TCĐKNDQ khẳng định: Với hệ thống thiết bị khá hoàn chỉnh, áp dụng công nghệ mới đã tạo điều kiện để giáo viên và học viên có cơ hội tiếp thu cái mới. Song, dấu ấn để lại của dự án này lại là phương pháp giảng dạy. Nó không theo một qui chuẩn nào cả. Tự người dạy và người học phải tìm cho bằng được cách tiếp cận nó, xử lý nó, thông qua những kỹ năng giao tiếp “mềm” giữa “thầy tây”, giáo viên, học viên và cả doanh nghiệp đang sản xuất các thiết bị này. Mô hình đào tạo này khơi dậy sự sáng tạo theo thực tế, không nặng về lý thuyết mà chú trọng vào ứng dụng.
Thầy Nguyễn Hồng Tây lấy ví dụ: Khóa đầu tiên sau khi đào tạo cơ bản xong được gửi ra Đà Nẵng để thực tập tại trung tâm bảo hành của 2 hãng xe hơi lớn là Toyota và Nissan. Sau quá trình thực tập khoảng 2 tuần, hơn 2/3 lượng học viên này đã được cả 2 hãng mời ở lại làm việc và được trả lương như kỹ sư. Tại sao lại có chuyện học viên thực tập hệ Cao đẳng lại được trả lương như kỹ sư. Câu trả lời nằm ở chỗ, những học viên này đã thực hiện qui trình bảo dưỡng xe một cách rất chuyên nghiệp, từ khâu đầu tiên là tiếp nhận xe, ghi nhật ký, xác nhận thông tin từ khách hàng đến khi hoàn chỉnh việc bảo dưỡng hoặc sửa chữa một chiếc xe theo một qui trình rất “tây”. Chính những kỹ năng “mềm” mà các ông thầy người Pháp đã truyền đạt hôm nào, nay đã được các doanh nghiệp đón nhận một cách hào hứng.
Ông Jean Jaeques và các học viên khóa đào tạo nghề ô tô chất lượng cao.
Có một câu chuyện thú vị xung quanh quá trình giảng dạy ở đây là giáo viên được ra đề bài là sửa một động cơ xe ô tô đang bị hư hỏng nặng. Phần lý thuyết là 15 tiết, thực hành 30 tiết, chấm hết. Không giáo trình, nhà xưởng thì đầy đủ tiện nghi, thiết bị, người thầy phải tự mày mò tìm kiếm và tự viết giáo án để giảng dạy và thực hành ngay tại xưởng cho học sinh. Kết quả, người thầy ấy phải mất 1 tháng mày mò trên sách vở và đi thực tế cả tháng trời nữa khắp các gara ô tô trong tỉnh mới viết được giáo trình và giảng dạy cho học sinh.
Thầy Võ Duy Nhất-Trưởng phòng Kiểm định chất lượng và đối ngoại thuộc TCĐKNDQ cho biết thêm: Thông qua chương trình giao lưu giảng dạy giữa nhà trường và Viện Phát triển kỹ năng nghề quốc tế thuộc Bộ Lao động Thái Lan đã có 4 đợt nhà trường đưa gần 80 lượt giáo viên sang học tập kinh nghiệm tại Thái Lan và trải nghiệm đầu tiên của các thầy giáo và thành viên trong đoàn là sự choáng ngợp. Một nhà xưởng vô cùng hiện đại với các dây chuyền đủ khả năng lắp ráp một chiếc xe hơi đời mới. Ở đó có sẵn 2 chiếc xe mới tinh, 1 Camry đời 2016, 1 Lexus LX 570. Phía bạn yêu cầu, các thầy tháo rời 2 chiếc xe kia ra và lắp ráp lại rồi chạy thử, thời gian 1 ngày đến 1 tuần đều được. Sau các chuyến thực nghiệm ấy, hầu như giáo viên tham gia các đợt học tập ấy đều nhận thức rằng cần phải đi vào thực tiễn nhiều, phải sáng tạo, phải đổi mới, không chỉ xem nó và phải mổ xẻ nó ra để hiểu bên trong nó là gì, lúc đó chúng mới đưa ra được phương pháp để giải quyết những tình huống có thể xảy ra trong quá trình sử dụng.
Ông Jean Jaeques và các giảng viên của trung tâm và Đại học giao thông Vận tải trao đổi kinh nghiệm bên mô hình thật.
Đã có 30 học viên của TCĐKNDQ đi làm việc tại Nhật Bản ở các hãng xe hơi lớn. Đây chính là những hạt nhân nòng cốt được phía đối tác tuyển chọn kỹ càng. Một điều mà trong nhiều năm trước đây chưa trường nghề nào ở Quảng Ngãi làm được. Nó chứng minh khả năng học tập và hoàn thiện kỹ năng nghề của học viên đã được nâng lên rõ rệt.
Ông Jean Jaeques cũng đã từng chỉ ra điều này với giáo viên và học viên đã qua các khóa đào tạo bằng một câu châm ngôn đầy ngụ ý rằng: Nếu bạn muốn có được những điều mình chưa từng có, thì hãy bắt đầu làm những việc mà bạn chưa từng làm.
Theo Đông Hải - Baodansinh.vn