Nỗi niềm mùa tuyển sinh năm ấy!


Nỗi niềm mùa tuyển sinh năm ấy!

Có lẽ, rất nhiều Thầy Cô, Cán bộ tại Trường Cao đẳng Kỹ nghệ Dung Quất đều xem nơi đây là ngôi nhà thứ hai. Vì ngôi nhà chung ấy, mà tất cả đều cố gắng làm tốt nhất vai trò của mình.

Nữ hay nam đều nỗ lực hết mình. Nhân ngày 20-10, tôi bỗng nhớ đến lần đi tuyển sinh năm ấy, chuyến xe lên vùng núi chỉ có duy nhất tôi là nữ và gặp vô vàn khó khăn, có cả những nỗi niềm như nút thắt trói lòng tôi lại.

Thầy Thân Thanh chụp hình vui vẻ bên đồng nghiệp nữ nhân ngày 20/10/2024

Khi ngồi viết những dòng này, cảm xúc vẫn như vẹn nguyên. Năm đó, vừa đón Tết cùng gia đình xong, những người làm công tác tuyển sinh ở Trường mình, trong đó có tôi bắt đầu lên đường tuyển sinh.

Đặt thù trường chúng tôi, phải tuyển sinh các cấp trình độ và đối tượng học sinh có nhu cầu học nghề kết hợp học chữ. Mà học sinh thành phố có mấy em học trường mình. Những vùng khó, nơi các em có nhu cầu học nghề nhưng ít tiếp cận thông tin tuyển sinh là mục tiêu hướng đến.

Đến hẹn lại lên, Trường Cao đẳng Kỹ nghệ Dung Quất - đơn vị đào tạo học sinh trình độ trung cấp, cao đẳng “Có Việc làm – Làm được Việc" thực hiện chiến dịch tuyển sinh từ đồng bằng lên đến miền núi cao.

Mùa tuyển sinh năm đó, cán bộ tuyển sinh của trường lên huyện miền núi Tây Trà (nay là huyện Trà Bồng) tìm kiếm học viên. Biết rõ vất vả, nhưng trong đầu tôi nhớ đến câu nói của thầy Lê Minh Cảnh, Hiệu trưởng Trường THCS Hương Trà 2 để làm động lực. Thầy Cảnh nói “Huyện Tây Trà xa xôi quá, nhờ các thầy cô tận tình đến tư vấn mà nhiều em có được cái Nghề, tạo dựng cuộc sống ổn định, thoát nghèo bền vững”.

Thế là chúng tôi đi, 4h sáng 8-4-2021 đoàn tuyển sinh tập trung tại điểm xuất phát. Chuyến xe nổ máy, băng qua những cung đường rừng, rồi đến những đoạn đèo dốc quanh co. Mệt mỏi vì say xe bắt đầu xâm lấn thể trạng của tôi và một số Thầy của Trường.

Là “đóa hoa” duy nhất trên xe, nhưng tôi phải cố gắng bởi đang giữ vai trò trưởng đoàn tuyển sinh. Những câu chuyện hài hước tôi cố kể và anh em hưởng ứng, vơi bớt mệt nhọc và say xe.

Cả xe cố gắng tạo niềm vui, duy chỉ có thầy Thân Thanh – Người anh của trường mình là không nói cười, anh có vẻ mệt mỏi với chuyến đi. Tôi bèn hỏi “Chưa ăn sáng mệt à anh”. Đáp lại, chỉ là cái lắc đầu. Anh thật sự mệt mỏi, sắc mặt lộ rõ những hanh hao.

Anh bảo tài xế hạ giúp kính cửa xe vì anh thích hít khí trời. Thú thật, lúc đó tôi thấy thầy Thanh lạ lạ so với anh thường ngày, lòng cũng có chút gợn nhưng cứ nghĩ anh có nỗi niềm riêng tư nên không tiện hỏi.

Xe lên đến đỉnh Eo Chim với độ cao từ 850m - 1000m, áp suất không khí thay đổi. Có người ù tai, có người nhắm mắt vì nhìn qua cửa kính một bên là vực thăm, bên còn lại vách núi dựng ngược.

Thấy mọi người lo cho minh, anh Thanh nói vài câu pha trò, chính anh ấy đã trấn an chúng tôi.

Khi cách điểm tư vấn tuyển sinh khoảng 3km, xe phải dừng lại bởi sạt lở. Cả đoàn xuống xe “hành quân” vượt điểm sạt lở. Phận nữ nhi, tôi vừa đi vừa run, khi đường nứt toác, chỉ còn đủ một lối đi rất nhỏ.

Nói thật là run, tôi sợ. Sau đó tôi quay ngược lại nhờ một người địa phương chở giúp qua điểm sạt đầu tiên, anh ấy đã nhiệt tình giúp đỡ, chở người này xong lại quay lại chở người khác. Nhưng đi một đoạn, anh này dừng lại, chúng tôi phải đi bộ xuống con dốc hun hút giữa sương mờ để đến điểm Trường.

Chẳng biết cười hay khóc, khi tôi đã dậy sớm, sửa soạn váy đầm, giày cao gót tươm tất nhất đi tuyển sinh. Nhưng rồi váy đầm, giày cao gót lại “vướng” kinh khủng trước những đoạn đường rừng không mấy êm đềm. Lúc đó, thầy Thân Thanh thấy tôi loay hoay đã dìu tôi từng bước qua một điểm sạt. Thầy thật tốt bụng!

Buổi tư vấn thành công, nhiều học sinh trên non muốn đến trường mình học, khiến tôi và các đồng nghiệp nam rất vui. Trước khi chia tay, thầy Hiệu trưởng còn tặng đoàn hai chậu lan kiếm như món quà núi rừng gửi người miền xuôi.

Thầy Thanh là người yêu lan, nên đoàn quyết định nhường cả hai chậu hoa phong lan cho thầy.

Chúng tôi rời trường, phải nhờ giáo viên có kinh nghiệm đi xe máy đường rừng chở ngược lên con dốc và qua những điểm sạt nhỏ. 12h trưa, cái đói thêm cồn cào khi uống những ly chè xanh thắm đượm nghĩa tình từ thầy Hiệu trưởng. Các thầy động viên trưởng đoàn là tôi cố gắng nhịn đói, về đến thị trấn Trà Xuân đoàn sẽ thưởng cho bữa ăn ngon sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

Thật sự vui vì tinh thần đoàn kết của đội ngũ Trường mình. Tôi là vui nhất khi là “hoa hậu” trên xe, nên được quan tâm hơn.

Buổi cơm trưa hôm ấy, chúng tôi nói với nhau về việc sắp xếp để các em đến trường nhập học có chỗ ăn ở tốt nhất. Thầy Thanh đầy tâm huyết, nhưng vẫn mệt mỏi. Khi đoàn chia tay, tôi không quên dặn thầy Thanh kiểm tra sức khỏe.

Trưa hôm sau, tôi định gọi cho thầy hỏi thăm sức khỏe, thì vợ thầy Thanh đã điện thoại. Bấm máy, chưa kịp nói gì đã nghe giọng chị òa khóc, nỗi lo thấy rõ qua sóng âm.

“Bà lên bệnh viện với tui chứ anh Thanh bị đột quỵ”. Tôi lập tức gọi thêm đồng nghiệp vào viện. Nhận tin anh bị quá nặng, phải chuyển tuyến ra Đà Nẵng. Vì đang thực hiện nhiệm vụ cho Trường, nên chúng tôi không thể đi cùng nhau ra Đà Nẵng bên cạnh thầy. Thế là phải phân công, chia nhau ra Đà Nẵng.

Lúc đó, tôi đi tuyển sinh mà điện thoại liên tục để chuông lớn, tôi gần như phải gọi tất cả những mối quan hệ có thể, để chữa trị cho anh và theo dõi diễn tiến bệnh tình của anh.

Nhiều bác sĩ tôi quen đã nói qua điện thoại rằng rất khó để thầy Thanh ổn lại. Tôi đang ngồi ở bàn tư vấn tuyển sinh mà chẳng khác nào ngồi trên đống lửa, lòng đầy tâm trạng. Thời khắc ấy, tôi và các anh chị trường mình tiếp tục đi tuyển sinh ở những điểm trường khác nhưng khí thế chùn đi ít nhiều.

Ông Bà nói đúng “một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ”, làm sao có thể giữ được nhiệt huyết, vui vẻ khi đồng nghiệp của mình gặp vấn đề sức khỏe, sinh mệnh lửng lơ.

Tôi vẫn nhớ lúc 5h30 sáng hôm ấy, đang tập trung để tiếp tục đi tư vấn tuyển sinh thì điện thoại reo, bên kia một giọng Đà Nẵng thông tin phải phẫu thuật gấp cho anh Thanh. Đầu tôi mơ hồ, ậm ừ mãi mà không thể nói lời cảm ơn với người bạn của mình, cũng không thể nhờ anh hỗ trợ. Tất cả im bặt nơi cổ họng, không phát nỗi một thanh âm.

300 triệu đồng tạm ứng cho ca mổ là số tiền qua lớn với gia đình thầy Thanh. Tôi liên tục gọi hỏi thăm vợ thầy về số tiền này đã lo đến đâu. Vợ thầy nói “Bà mượn mọi người thêm giúp tôi, hiện tôi chỉ có 30 triệu đồng”.

Giữa lằn ranh sinh tử của đồng nghiệp, tôi quyết định rời khỏi buổi tuyển sinh, giao công việc lại cho anh em, tập trung huy động nguồn kinh phí. Hơn lúc nào hết, tôi nghĩ với ngôi nhà chung này, chúng ta luôn cạnh nhau trong lúc khó khăn nhất.

Tinh thần tương thân, tương ái luôn là điểm cộng để chúng ta thêm gắn bó với Trường mình, có phải không? Công đoàn Nhà trường kêu gọi ủng hộ, chúng ta đã chung tay trợ lực cho gia đình thầy Thanh. Như rằng trời không phụ lòng người, người anh, người đồng nghiệp đáng kính của chúng ta có cuộc phẫu thuật thành công.

Đợt tuyển sinh năm ấy, tôi không thể nào quên được. 27 em học sinh Tây Trà xuống trường theo học, nay đã có công việc ổn định ở Khu Công nghiệp VSIP Quảng Ngãi và Khu Kinh tế Dung Quất.

Thoáng chốc đã trôi qua 4 năm, những nỗi niềm tuyển sinh năm ấy như mới vừa xảy ra và có lẽ mãi về sau, tôi không thể nào quên được.

Giờ tôi được Trường phân công nhiệm vụ mới, không còn tham gia công tác tuyển sinh nữa. Nhưng đâu đó, tôi vẫn nhớ về những kỷ niệm và cảm ơn các Thầy Cô đang làm công tác tuyển sinh cho Trường, mọi người đã vất vả thật nhiều vì mái Nhà chung này.

Yêu quý tất cả!

Nguyễn Ngọc Minh Nguyệt


Sửa đổi vào Thứ hai, 21 Tháng 10 2024 15:21
Đánh giá nội dung này
(0 đánh giá)
Đọc 704 lần

Tiện ích

Chứng nhận kiểm định

 

Cơ quan chủ quảnTổng cục Giáo dục nghề nghiệp

Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất

:

QUẢN LÝ ĐÀO TẠO

Điện thoại: (0255) 6525.940
This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

TUYỂN SINH - QUAN HỆ DOANH NGHIỆP

Điện thoại: (0255) 2212.738
This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

CHẾ ĐỘ CHÍNH SÁCH

Điện thoại: (0255) 2213.123
This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

Hình ảnh

showshowshowshowshowshowshowshowshowshowshowshow