LỜI DẶN NGÀY KHAI TRƯỜNG
Tôi đến dự Lễ khai giảng ở một Trường trung học phổ thông bình thường, không có nhiều học sinh giỏi, không có "bề dày thành tích" như các Trường khác trong tỉnh. Có lẽ vì thế mà lãnh đạo Nhà trường đã nói với các học sinh của mình những điều rất giản dị.
Trong phần chào đón học sinh khối lớp 10, thầy Phó hiệu trưởng dặn dò các em tận dụng thời gian quý giá ở Trường, trang bị những Kỹ năng cần thiết để theo đuổi sự nghiệp của mình, thầy cô và các anh chị học sinh cũ luôn bên cạnh, giúp các em đam mê với học tập, khám phá tri thức.
Các em đến từ nhiều Trường THCS khác nhau, do vậy, thầy căn dặn các em phải tôn trọng sự khác biệt, tôn trọng ước mơ và khát vọng của mỗi cá nhân, tìm cách tốt nhất để sống cùng nhau.
Nhưng ấn tượng nhất là khi thầy giáo nói về nghề nghiệp tương lai của các học sinh: "Rồi các em sẽ trở thành những công nhân lành nghề, kỹ sư, bác sỹ, Nhà giáo, Nhà lãnh đạo tiềm năng của đất nước". Thứ tự ưu tiên được sắp xếp rất rành mạch và có chủ đích.
Lâu nay, trong các buổi khai giảng, tổng kết ở các Trường trung học phổ thông, lãnh đạo Nhà trường khi đọc diễn văn thường nêu con số học sinh đậu đại học như một minh chứng cho sự bề thế, chất lượng giáo viên và học sinh của Trường. Điều đó dễ hiểu, bởi vào đại học là giấc mơ ám ảnh bao nhiêu thế hệ. Trong suy nghĩ của nhiều người, học đại học đồng nghĩa với một tương lai sáng lạn, ra trường làm kỹ sư, bác sỹ...
Giấc mơ không có gì sai, nhưng thực tế lại không như kì vọng. Tại Việt Nam, tỷ lệ thất nghiệp thanh niên là 7,67% và đặc biệt cao ở khu vực thành thị với mức 11,95%; cứ 100 thanh niên trong lực lượng lao động thì có 12 người thất nghiệp. Mỗi năm có khoảng hơn 20.000 lao động trình độ đại học trong độ tuổi lao động chưa có việc làm. Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, sinh viên ra Trường làm trái ngành ngày càng nhiều, chiếm 60% (trích Kênh 14)
Tình trạng thừa thầy thiếu thợ, đào tạo không tương ứng với nhu cầu xã hội để dẫn đến con số thất nghiệp như trên một phần xuất phát từ tâm lý vào đại học bằng được.
Người thầy kì vọng vào học trò của mình, nhưng đặt thứ tự ưu tiên "công nhân lành nghề" trước "Kỹ sư, bác sỹ". Có thể người thầy ấy hiểu học trò của mình không phải là những người xuất chúng. Nhưng mặt khác, người thầy nhạy cảm với thời cuộc, ông hiểu rằng vào đại học, trở thành kỹ sư, bác sỹ không phải là con đường duy nhất cho học sinh của mình.
Ở góc độ khác, tâm lý vào đại học bằng được chi phối chương trình giảng dạy của các Trường phổ thông. Khi việc dạy học nặng về mục tiêu "luyện" để vào đại học, thì đồng nghĩa với những mục tiêu khác của giáo dục được đặt ở cán cân nhẹ hơn.
Nếu người thầy xác định với học sinh của mình rằng: vào đại học không phải là con đường duy nhất, thì việc giảng dạy sẽ chú trọng đến những mục tiêu khác như phát triển thể chất, tâm hồn... Nhà trường sẽ đào tạo để các em trở thành những con người sáng tạo, có năng lực theo đuổi ước mơ, có tư duy độc lập, hoặc ít nhất cũng những con người biết ứng xử, tôn trọng ước mơ và khát vọng của người khác trên tinh thần công bằng, bác ái.
Thầy Phó hiệu trưởng chỉ dặn dò thứ tự ưu tiên trở thành "công nhân lành nghề" với những học sinh của Trường mình. Nhưng thông điệp từ sự ưu tiên ấy, hiểu rộng ra là đào tạo phù hợp với nhu cầu xã hội, nghề nghiệp nào cũng cao quý nếu học sinh trưởng thành làm người tốt, có ích cho xã hội. Điều đó đúng với bất cứ ngôi trường nào.
Tôi muốn hỏi các em học sinh và các bậc phụ huynh một câu hỏi: Giữa một người thầy nhất quyết rằng phải vào đại học với một người thầy nói rằng vào đại học không phải là con đường duy nhất, phải tôn trọng ước mơ, khát vọng của mỗi người, bạn chọn ai?
Phạm Linh