CHÀNG TRAI TÂY NGUYÊN VƯỢT 500 KM ĐỂ HỌC NGHỀ


Tôi là K’Dương, 23 tuổi, người Mạ, quê ở xã Quảng khê, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông.

Tốt nghiệp kỹ sư thực hành cách đây 5 tháng, tôi đang làm công việc Bảo trì ôtô tại một Nhà máy ở Khu kinh tế Dung Quất, Quảng Ngãi. Đến vùng "lạ" hơn ba năm, nhiều người bạn mới quen vẫn ngỡ ngàng khi nghe tôi giới thiệu mình đến từ Tây Nguyên, cách đây hơn 500 cây số.

Quê tôi là vùng đất cộng cư của nhiều dân tộc bản địa Tây Nguyên như người Ê Đê, Mạ, M Nông, Cho ro và nhiều dân tộc di cư từ miền núi phía Bắc vào như Mường, Mông, Tày, Nùng, Thái...

Nếu nói về đặc trưng của người Mạ, tôi sẽ kể cho bạn nghe về những ngôi nhà sàn dài 20 - 30 m đang dần lùi vào dĩ vãng. Tôi sẽ kể về nghề dệt thổ cẩm của Bà, Mẹ và những phụ nữ khác trong Làng, với hoa văn có hình chiếc rìu, gùi, lá cây rừng....Những tấm địu thổ cẩm dệt cho đứa trẻ mới chào đời sẽ theo người Mạ đến lúc chết.

Tôi nhớ về những ngày theo các chú, bác, ông trong làng mặc khố đánh chiêng. Những mùa lúa mới khi cả làng cùng làm lễ cúng lúa mới.

Khi còn đi học nội trú ở trường Nội trú Đăk Glong, tôi vẫn thường mặc trang phục của dân tộc của mình vào các ngày thứ 2, 4, 6 theo nội quy của Trường.

Nhưng làng tôi còn nghèo lắm. Tôi vẫn còn nhớ những con đường quanh co bên sườn núi, những con đường tôi cùng cha lên rẫy cà phê. Nếu không quen đường, không phải tay lái lụa thì có thể bất ngờ té nhào ở một khúc quanh nào đó.

Cha tôi có 3ha rẫy cà phê, mỗi đầu mùa cha mẹ tôi thường mua nợ phân, thuốc...ở đại lý. Giá cả bấp bênh, mùa vụ thất thường, đến cuối mùa thu hoạch cà phê xong, trả nợ cho đại lý thì chẳng còn dư là bao.

Những ngày ấy, tôi ấp ủ ước mơ đi học để thay đổi cuộc đời mình. Nhưng khi mới 17, 18 tuổi, cuộc đời phía trước mông lung lắm.

Ban đầu, tôi định chọn học ngành Thư viện ở TP HCM. Tôi nghĩ học ngành này mình sẽ nghiên cứu nhiều về văn hóa của các dân tộc Tây Nguyên, đặc biệt là giới thiệu về truyền thống của dân tộc Mạ của Mình. Dự định là vậy, nhưng tôi chưa biết ra trường sẽ xin việc ở đâu.

Năm học cuối cấp, khi đang mông lung với dự định của mình thì Trường Cao đẳng Kỹ nghệ Dung Quất lên trường Nội trú Đăk Glong tuyển sinh. Nghe Thầy, Cô của Trường giới thiệu về các ngành học mang tính thực hành, và được giới thiệu công việc khi ra Trường, tôi nhìn thấy hướng đi mới.

Làng tôi không có nhiều người đi xa, và nếu đi thì có lẽ chọn các thành phố lớn nghe có vẻ "oai" hơn. Nhưng khi tôi nói về dự định xuống Quảng Ngãi học nghề, cha mẹ đều tán thành. Họ mong tôi sẽ học được "một sàng khôn" khi đi xa học hành, lập nghiệp.

Thế là tốt nghiệp THPT xong, tôi khăn gói xuống Quảng Ngãi trên chuyến xe Đăk Nông - Đà Nẵng. Hành trang mang theo chỉ là vài bộ quần áo, vài cuốn sách, và hơn 2 triệu đồng cha mẹ chuẩn bị cho tháng đầu tiên.

Trường cho tôi một suất ở ký túc xá. Ban đầu thì xuống thì cũng hơi buồn, vì chưa hòa nhập được cuộc sống, đặc biệt là đếm số. Ở ngoài Bình Sơn, mọi người nói 2 thành Hoai, 3 thành Boa, 6 thành Sếu, Sấ...Nhưng nghe mãi cũng thành quen và thấy dễ thương, đến giờ thì mình cũng nói lai lai nửa tiếng Đăk Nông nửa tiếng Quảng Ngãi.

Rồi tôi tìm được một hội bạn hơn 20 đứa từ Đăk Nông, Đăk Lăk, Gia Lai xuống...đây học. Anh em cùng quê nói chuyện được nhiều. Những lúc rảnh rỗi, chúng tôi tụ tập ăn uống, hát hò. Tôi được học guitar ở trường nội trú từ lớp 10 nên thường "chủ xị" trong mấy cuộc văn nghệ văn gừng kiểu này.

Vào học ngành Công nghệ Ô tô, tôi mới biết được nguyên lý vận hành, động lực của máy móc. Hồi xưa mỗi lần đi làm rẫy với cha mẹ, máy cày, xe máy hư là chuyện cơm bữa, tôi thường tự mò để sửa "lụi". Giờ thì tôi đã hiểu ra nguyên lý. Vừa học vừa mò mẫm, nghiền ngẫm, tôi thấy mình càng yêu thích máy móc, ghiền mùi động cơ, lin, nhớt.

Ở dưới này mức sống cũng thấp. Tôi được cha mẹ gửi cho một triệu mỗi tháng, cộng với 800 nghìn tiền làm thêm. Về căn bản cũng trang trải được cuộc sống. Nhưng con trai mà, thi thoảng có lỡ nhậu một bữa hay trúng sinh nhật bạn thì bị thâm hụt.

Thế là tôi lân la ở những nhà đang xây xin chân làm phụ hồ. Được cái tướng bự con, đen đen, họ nhận ngay. Rồi tôi còn tham gia Câu lạc bộ ở Trường, thi thoảng "nhận thầu" dọn rác, làm công trình trong Trường cũng có thêm thu nhập.

Tôi cũng có bạn thân là người H'Re ở Quảng Ngãi, thi thoảng nó rủ tôi lên rừng, suối chơi, thỏa cái bản năng núi rừng đã ngấm vào máu.

Ngày sắp ra trường, lúc tôi đang đi phụ hồ thì nhận được thông báo nhận được 40 triệu tiền chính sách nội trú qua nhiều năm. Tôi mừng quá mà cũng không rõ là tiền gì, mới gọi hỏi cô Nguyệt, cô nói "tiền của em đó". Tôi lấy 10 triệu đó gửi về cho gia đình còn 30 triệu gửi tiết kiệm.

Ngày tôi ra Trường, tôi mới chính thức tạm biệt căn phòng ký túc xá quen thuộc. Được Trường giới thiệu việc làm, thu nhập hơn 10 triệu một tháng, 5 tháng qua , Tôi đi làm trong Nhà máy, thuê phòng trọ ở riêng. Mỗi tháng tôi gửi về nhà 3 triệu đồng, cha mẹ tôi mừng lắm, động viên tôi ở lại Quảng Ngãi lập nghiệp.

Tôi cũng muốn ở lại đây, vì quê tôi chưa có nhiều việc làm, chưa có Khu công nghiệp, tôi sẽ tích góp để xây dựng cuộc sống dưới này. Dù làm công việc kỹ sư, tôi vẫn còn đam mê tìm hiểu văn hóa. Trên mạng bây giờ, có nhiều tài liệu, nhiều nhà nghiên cứu viết về người Mạ. Mỗi khi nghỉ ngơi, tôi vẫn thường tìm hiểu về phong tục, lịch sử dân tộc mình.

Nếu bạn thắc mắc về tên của tôi, K'Dương có họ là K, họ của mẹ, người Mạ theo chế độ mẫu hệ. Tôi sẽ cố gắng lập nghiệp ở đây để mỗi khi K'Dương về thăm Đăk Nông, mẹ được tự hào về con trai của Bà.

-----------------------------------------------------------

Thông tin tuyển sinh

- Trường Cao đẳng Kỹ nghệ Dung Quất tuyển sinh trình độ Trung cấp và Cao đẳng: Bảo trì thiết bị cơ điện, Chế tạo thiết bị cơ khí, Công nghệ Kỹ thuật cơ khí, Công nghệ May, Công nghệ Ô tô, Công nghệ thực phẩm, Thương mại Điện tử, Cắt gọt Kim loại, Điện Công nghiệp, Điện tử Công nghiệp, Hàn, Lắp đặt thiết bị cơ khí, Bảo trì hệ thống thiết bị cơ khí, Công nghệ Kỹ thuật môi trường, Phân tích các sản phẩm lọc dầu, Vận hành thiết bị chế biến dầu khí;

02 ngành đào tạo theo tiêu chuẩn của Pháp: Điện Công nghiệp, Công nghệ Ô tô;

02 ngành đào tạo theo chương trình chuyển giao của Cộng Hoà Liên Bang Đức: Bảo trì hệ thống thiết bị cơ khí, Vận hành thiết bị chế biến dầu khí.

08h00’ ngày 24/9/2020 nhập học trình độ Trung cấp tại Hội trường - Trường Cao đẳng Kỹ nghệ Dung Quất.

Trường tiếp tục nhận hồ sơ tuyển sinh trình độ Trung cấp và Cao đẳng. Liên hệ: 0255-2212738; 0961041976. Phòng Tuyển sinh Việc làm và Truyền thông. Trường Cao đẳng Kỹ nghệ Dung Quất. Xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi.

Xem thêm tại: https://dungquat.edu.vn/tuyen-sinh/thong-bao-tuyen-sinh.html


Sửa đổi vào Thứ bảy, 19 Tháng 9 2020 03:50
Đánh giá nội dung này
(0 đánh giá)
Đọc 798 lần

Tiện ích

Chứng nhận kiểm định

 

Cơ quan chủ quảnTổng cục Giáo dục nghề nghiệp

Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất

:

QUẢN LÝ ĐÀO TẠO

Điện thoại: (0255) 6525.940
This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

TUYỂN SINH VIỆC LÀM VÀ TRUYỀN THÔNG

Điện thoại: (0255) 2212.738
This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

CHẾ ĐỘ CHÍNH SÁCH

Điện thoại: (0255) 2213.123
This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

Hình ảnh

showshowshowshowshowshowshowshowshowshowshowshow