Gương mặt thanh tú, người đô cao vạm vỡ, Bùi Tiến Phúc là một trong 14 sinh viên ngành Công nghệ Ô tô chương trình chất lượng cao theo tiêu chuẩn của Pháp tại trường Cao đẳng kỹ nghệ Dung Quất. Ít ai biết rằng, chàng trai chăm chỉ, năng động này từng là học sinh cá biệt.
Đầu tháng 4 vừa qua, Trường Cao đẳng Kỹ nghệ Dung Quất tổ chức tư vấn tuyển sinh ở Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh Kon Tum. Ngoài các thầy cô và cán bộ tư vấn tuyển sinh, đoàn tuyển sinh có sự góp mặt của một sinh viên tiêu biểu của Trường - Bùi Tiến Phúc.
Phúc cũng chính là cựu học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Kon Tum, tốt nghiệp hơn hai năm trước. Ngày trở về trường cũ, chàng cựu học sinh được thầy cô giáo cũ chào đón nồng nhiệt.
Phúc là con trai duy nhất trong gia đình có hai chị em. Gia đình chuyển đến Kon Tum từ Hòa Bình. Khi chuyển đến nơi ở mới nghèo đến nỗi chỉ có một lán trại để sinh sống. Tuổi thơ của Phúc gắn với những ngày theo cha mẹ lên rẫy cà phê, những ngày cùng cha đi rà vỏ đạn bán phế liệu mưu sinh.
Những khó nhọc không làm Phúc bi quan, từ nhỏ cậu đã lanh lợi và sớm thể hiện tư chất thủ lĩnh. Từ lớp 1 đến 9, cậu luôn giữ chức lớp trưởng và học lực luôn giữ được loại Khá do dành thời gian đi làm nhiều hơn thời gian học bài.
Cha mẹ Phúc đầy hy vọng về cậu con trai, họ hi vọng cậu sẽ học lên cao và làm được một điều gì đó lớn lao, không phải quần quật trên rẫy như cha mẹ. "Con học được chữ nào học, đời mẹ khổ quá rồi", Phúc nhớ lại lời mẹ dặn khi lên cấp 3, học trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh Kon Tum.
Thời gian đầu, Phúc rất vui khi chuyển đến trường mới. Cậu bắt đầu học việc tự lập cho cuộc sống xa gia đình với nếp sinh hoạt đều đều: Sáng dậy tập thể dục rồi đi học, tham gia các phong trào của Nhà trường. Hoạt ngôn và có hoa ăn nói, Phúc trở thành MC của nhiều chương trình do trường tổ chức...
Tưởng chừng đây là môi trường mới để cậu cứ thế phấn đấu. Thế nhưng tuổi 16 nông nổi, Phúc cùng bạn bè rủ rê nhau tụ tập ăn nhậu, hút thuốc.
Có lần, cả bọn rủ nhau leo lên sân thượng ký túc xá của Nhà trường để nhậu. Thầy quản lý học sinh bắt được, báo với giáo viên chủ nhiệm và hiệu trưởng. Đến cuối năm lớp 10, Phúc tự ý câu điện để sạc pin điện thoại trong phòng vì trường hạn chế ổ điện để học sinh làm việc riêng, rồi bị phát hiện thêm một lần vi phạm nội quy Nhà trường.
Tổng kết năm, Phúc học lực trung bình, hạnh kiểm yếu, nằm trong danh sách 15 học sinh phải rèn luyện tại Trường một tháng, bị phạt quét phòng hiệu bộ, phòng học, thay vì được về nhà như các bạn khác.
Cuối năm đó, Phúc tự hứa với lòng sẽ cố gắng hơn. Nhưng lên lớp 11 lại đâu vào đấy, Phúc còn dẫn người lạ vô trường, quậy phá, đánh nhau. Một lần nữa, cậu phải chịu những hình phạt như tưới rau, quét dọn...Các vụ vi phạm liên tục đã khiến Phúc bị mời phụ huynh đến hai lần.
Bước ngoặt đến với Phúc từ một cơ duyên, khi ấy thầy Đỗ Duy Huy đang làm Bí thư đoàn trường chuyển sang trưởng ban quản lý học sinh và ký túc xá. Thầy Huy tâm sự rằng khi còn là học sinh cũng đã từng nghịch ngợm như Phúc, nhưng rồi đã suy nghĩ rất nhiều, rồi từ bỏ để hướng đến tương lai tốt đẹp hơn. Thầy còn động viên Phúc rằng: thầy nhìn thấy tiềm năng ở em, để tiếp cho cậu niềm tin.
Đến năm lớp 12, lớp của Phúc có cô giáo chủ nhiệm là một cựu học sinh của trường nên hiểu tâm lý của những học trò xa nhà. Cậu được thầy Huy cử làm đội trưởng đội tự quản của trường. Lúc này, Phúc đã trở lại vai trò thủ lĩnh như cậu khi xưa.
Từng ngỗ nghịch, cậu càng hiểu tâm lý bạn bè hơn. Phúc biết cách khuyên các bạn không vi phạm, chăm chỉ học tập.
Năm lớp 12 của Phúc khép lại với danh hiệu học sinh tiên tiến và hạnh kiểm tốt, cùng với rất nhiều dấu ấn trong các hoạt động của trường.
Khi trường Cao đẳng Kỹ nghệ Dung Quất lên tuyển sinh, Phúc quyết định theo học vì có ngành Công nghệ ô tô, đam mê từ nhỏ của cậu. Trường còn có chính sách miễn giảm học phí giúp Phúc giảm đi gánh nặng chu cấp của cha mẹ.
Ở ngôi trường mới, Phúc trở thành một sinh viên nổi bật với nhiều tài lẻ như MC, ca hát...Về học tập, em cũng là một trong những sinh viên giỏi nhất ở trường. Phúc cho biết để vào được lớp chất lượng cao, em đã vượt qua các bài test về tiếng Anh, thể lực...
Những ngày cuối tuần, Phúc đi làm thêm, phụ bàn ở bãi biển Mỹ Khê để có tiền xoay sở cuộc sống. Cha mẹ Phúc không còn những nỗi lo như khi cậu học cấp 3, mà luôn tin tưởng cậu con trai. Trong những cuộc gọi về nhà, cậu khoe cuộc sống mới để cha mẹ yên tâm.
Trong các video quay lại cảnh thực hành ở trường, mọi người đều thấy một sinh viên Phúc năng động, hoạt náo...Cậu trở thành một "đại sứ hình ảnh" của trường qua những video quảng bá, những lần đi tuyển sinh. Phúc nhận được rất nhiều lời nhờ tư vấn của các em học sinh cấp 3, khi ấy, Phúc trở thành nhà tư vấn đầy tâm lý...Bởi cậu đã trải qua những nông nổi tuổi học trò./.