Những người ngược chiều Đại Học


Những người "ngược chiều" Đại Học

Không quá "cố thủ" với con đường nhất định phải vào đại học, cũng không mang mặc cảm về đường học "ngắn", những thanh niên vào đời bằng hàng trăm ngã rẽ khác nhau nhưng cùng có chung một niềm vui: làm người có ích trong xã hội, có thể tự lập sớm trên chính đôi chân mình.

"Lối đi ngay dưới chân mình" 

Lớp 9, trong khi hầu hết bạn bè học nghề chỉ để có thêm điểm cộng khi thi tốt nghiệp, chỉ chọn những nghề nhẹ nhàng để dễ học, dễ có bằng giỏi thì Nguyễn Huy Hoàng (Phường Quang Trung, TP. Vinh, tỉnh Nghệ An) lại chọn nghề sửa chữa xe máy, suốt ngày vật lộn với dầu nhớt, ốc vít. Hoàng nhỏ hơn hẳn đám bạn, bố mẹ xót con vất vả, khuyên xin sang học vi tính, nhưng cậu nhất định không nghe, vì lỡ kết nghề thợ sửa xe từ ngay ngày đầu. 

Ngay khi có đôi chút nghề căn bản, những trục trặc nho nhỏ về xe cộ trong nhà được Huy Hoàng chăm chút từng tí. Đôi khi vì tay nghề có hạn, cả buổi vật lộn lấm lem lại phải... đưa xe ra thợ nhưng cậu vẫn rất vui và tuyên bố với bố mẹ, sẽ tiếp tục học nghề sửa xe khi tốt nghiệp lớp 12. Ý định này bị cả nhà kịch liệt phản đối dù với sức học của mình, Hoàng tự biết cậu chẳng thể ngồi trong trường đại học. 

Cũng là một người đi ngược xu hướng ĐH, Nguyễn Vân An (quận Tân Phú, TP.HCM) còn đặc biệt hơn. Cùng một lúc thi đậu Đại học Kinh tế, Đại học Bách khoa nhưng không chọn trường nào mà vào một cơ sở đào tạo tin học theo học về vi tính! Cả nhà tạo sức ép nhưng không lại với cô con gái cá tính, đành buông theo ý cô. Bè bạn cũng khó hiểu về quyết định này.

Còn Đ.T. Hồng Tuyết (Sinh viên Ngữ văn - Báo chí, Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn TP.HCM), ngay khi tốt nghiệp lớp 12 đã xin ba mẹ mở một cửa hàng sản xuất hoa vải nhưng bị từ chối thẳng thừng vì lí do: “Học khá, phải vào đại học”. 

Ngoài thời gian học, Hồng Tuyết tranh thủ quảng cáo sản phẩm ngay trong trường học, giới thiệu qua những ngày hội văn hoá ở các trường đại học, và tích góp dần, ra trường cô đã có thể mở một quầy hoa nho nhỏ, dù ba mẹ vẫn phản đối, chỉ mong con theo “con đường tri thức”.

Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh 

Giải thích về sự rẽ ngang của mình, Nguyễn  Vân An cho biết, mơ ước của cô là được lập thân sớm. Nơi An học chú trọng đào tạo về kĩ năng nên chỉ một thời gian ngắn (so với thời gian học đại học), khi ra trường Vân An sớm khẳng định mình trong công việc. Cô thường xuyên nhảy việc, mỗi lần nhảy việc lại thêm một lần nâng cao cơ hội học tập thực tế, kinh nghiệm và nâng cao cả... mức lương. 

Còn Hồng Tuyết, với quyết định rẽ ngang từ cổng trường đại học sang thợ làm nghề thủ công, đầy táo bạo và sự chăm chỉ, sáng tạo. Từ một quầy bán hoa giả nho nhỏ vừa làm thợ, vừa làm chủ, cô đã có trong tay cơ sở hoa vải kha khá với 4 nhân công làm việc luôn tay. Hoa vải của Tuyết được nhiều shop lưu niệm trong nội thành biết đến, đặt hàng thường xuyên. Có nhiều hợp đồng đặt mua đi nước ngoài nữa. 

Hồng Tuyết tâm sự, trong cơ sở hoa của cô, có 2 bạn trẻ năm nay tốt nghiệp lớp 12, có hỏi thăm ý kiến cô, nên học tiếp hay đi làm. Cả hai cô bé này đều rất say mê với việc làm hoa. Lời khuyên của cô cho "đàn em" là: "Nếu mạnh dạn như bây giờ, chị sẽ không vào đại học khi không phù hợp cánh cửa ấy. Làm gì cũng đáng quý, tuy nhiên, cần chăm chỉ, tinh thần học hỏi mọi lúc mọi nơi và có chí hướng". 

Trong nhiều bạn trẻ rẽ ngang thành công, Trần Văn Khoa, một giám đốc thế hệ 8X, không bằng cấp khiến nhiều người ngạc nhiên thán phục. 

Là “dân” làng du lịch Hội An, ngay từ 13 tuổi, cậu bé Khoa đã đảm nhiệm việc giới thiệu khách tham quan ngôi nhà thờ tộc họ Trần hàng trăm tuổi ở thị xã Hội An. 

Mười năm sau, cậu mạnh dạn thành lập Công ty HoiAn Eco Tour, với tham vọng: “Giới thiệu sản vật văn hoá tinh thần của quê mình cho thế giới biết”. Tham vọng này được Khoa giải thích: “Hơn ai hết, là người lớn lên, gắn bó với làng quê nên mình hiểu được vẻ đẹp tiềm ẩn của nó để giới thiệu khách du lịch khám phá. Điều này cũng là cách “gãi đúng chỗ ngứa” trong tâm lí tham quan của khách du lịch. 

Đến nay, những tour hấp dẫn như: một ngày làm nông dân, một ngày làm ngư dân, thăm thiên đường dừa nước, ngắm bình minh trên biển.... của Khoa đã lôi cuốn hàng nghìn khách du lịch tham gia, trong đó thu hút được hơn 2.000 khách du lịch nước ngoài. Không chỉ ấm bởi “thân vinh” (Khoa đã gây dựng được tàu chở khách và nhà hàng hải sản...), giám đốc 8X, không bằng này còn lo được việc làm cho khoảng 10 nhân viên là anh em, bè bạn mình. 

Thay đổi cách nghĩ: Cần từ nhiều phía 

Trong hội nghị tổng kết năm học các trường Đại học, Cao đẳng phía Nam, Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân cho biết: “Từ nay tới năm 2010, Bộ và Đoàn Thanh niên sẽ vận động thanh niên chú ý hơn trong việc chọn các trường nghề cho mình. Trong hoàn cảnh đất nước hiện nay, điều kiện kinh tế không cho phép, nhu cầu xã hội không cho phép đa phần thanh niên học đại học. Hướng tới các trường nghề, trung cấp mà vẫn có chỗ đứng trong xã hội cũng là một mục tiêu quan trọng không kém".

Tuy nhiên, làm được điều này vẫn còn là thử thách. Sinh viên Nguyễn Mai Hoa (ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG TP.HCM) cho biết, trong khi nguyện vọng của em chỉ là tốt nghiệp cấp 3 sẽ học trung cấp du lịch, đi làm hướng dẫn viên du lịch thì ba mẹ em nhất định không chịu, buộc phải thi đại học cho bằng bạn bằng bè. 
Hậu quả sẽ không có gì nặng nề nhưng rất nhiều sinh viên trong tình trạng như em, học năm thứ ba nhưng mơ hồ không biết ra trường sẽ làm gì, vì kết quả học tập do không đam mê với việc học hành nên khó mà khá nổi, Mai Hoa tâm sự. 

Theo ông Nguyễn Đình Minh, giáo viên Trường Trung học Kỹ thuật Nghiệp vụ Nam Sài Gòn, nhà trường vẫn thống kê số học sinh có việc làm sau khi ra trường hàng năm lên tới trên 80%, con số này giữ vững hàng năm, chứng tỏ nhu cầu cần thợ có tay nghề vẫn rất cao. 

Trung tâm việc làm của nhà trường mới lập vài năm trở lại đây nhưng nhu cầu tuyển dụng có đều đều, do những công ty, cơ quan thường xuyên sang tận nơi thăm hỏi, nắm bắt tình hình học sinh ra trường. Phần lớn học sinh ra trường được giới thiệu qua trung tâm của trường đều được nhận vào các khu chế xuất, khu công nghiệp với mức lương trên 1,5 triệu mỗi tháng. 

Ông Minh cho biết, nắm bắt thực tế này, bản thân ông cũng khuyên nhiều phụ huynh là anh em họ hàng, bè bạn mình, chọn cho con vào trường nghề, phù hợp với khả năng, thực lực của học sinh. 

“Chất lượng các trường nghề hiện nay chưa tạo được niềm tin cho phụ huynh học sinh, nhưng quan trọng hơn thế, cách nghĩ của phụ huynh khi đưa con em mình vào trường nghề cũng là “bước đường cùng” đã là một cản trở rất lớn khiến tình trạng “thừa thầy thiếu thợ” hàng chục năm nay đã và tiếp tục diễn ra. 

Bản thân các trường nghề cần thay đổi, nghiêm túc, kỉ cương trong việc dạy, học bản thân phụ huynh cũng nên gạt bỏ những cách nghĩ cổ hủ, có phần sĩ diện để định hướng đúng cho con cái mình. Với một nước đang phát triển như chúng ta mà giữ mãi tỉ lệ thừa thầy thiếu thợ thì thực sự mất cân đối”  -  ông Mai Ngọc Luông, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Viện Nghiên cứu Tâm lý Giáo dục nhận định.

Thu Hương (VNN)

Chứng nhận kiểm định

 

Cơ quan chủ quảnTổng cục Giáo dục nghề nghiệp

Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất

:

QUẢN LÝ ĐÀO TẠO

Điện thoại: (0255) 6525.940
This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

TUYỂN SINH VIỆC LÀM VÀ TRUYỀN THÔNG

Điện thoại: (0255) 2212.738
This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

CHẾ ĐỘ CHÍNH SÁCH

Điện thoại: (0255) 2213.123
This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

Hình ảnh

showshowshowshowshowshowshowshowshowshowshowshow