Không phải ai cũng có đủ điều kiện, khả năng vào các trường đại học, cao đẳng. Trong hoàn cảnh đó, học nghề là một hướng đi ngắn nhất để các bạn trẻ trở thành công nhân kỹ thuật bậc 3 ở lứa tuổi 18-20 với nhiều cơ hội việc làm...
Chọn nghề nào?
Điện tử, tin học đang là "mốt" trong sự lựa chọn của HS hệ công nhân kỹ thuật (CNKT). Do đó số lượng HS có nguyện vọng học hai nghề này luôn cao hơn các hơn các nghề khác và vì vậy cơ hội được xét tuyển cũng khó khăn hơn. Tuy nhiên theo phản ảnh của các trường nghề, cơ hội tìm việc làm sau tốt nghiệp của HS hai nghề này lại không nhiều như người ta nghĩ. Số lượng HS tốt nghiệp nghề điện tử khá dồi dào nhưng nhu cầu tuyển dụng của các đơn vị lại có hạn. Riêng nghề sửa chữa điện tử dân dụng, nhu cầu tuyển dụng thợ của các cơ sở buôn bán, sửa chữa nhỏ cũng không nhiều, trong khi không phải HS nào cũng có đủ khả năng và điều kiện đứng ra tự mở tiệm ngay sau khi tốt nghiệp.
Giờ tự học của học sinh - sinh viên
Trong khi đó các nghề thuộc lĩnh vực cơ khí như hàn, tiện luôn có rất ít HS chọn học lại đang là nghề có nhiều cơ hội việc làm, lương cao. Mức lương khởi điểm của một HS nghề hàn (kỹ nghệ sắt) mới ra trường bình quân cũng đến 1,5 triệu đồng/tháng, nhiều HS có việc làm thêm ngoài giờ ngay từ khi còn học. Các trường có đào tạo nghề này như TH Công nghiệp TP.HCM, TH Kỹ thuật Cao Thắng, hệ CNKT Trường CĐ Công nghiệp 4... số lượng HS tốt nghiệp hằng năm chỉ đủ giới thiệu cho một vài đơn vị sản xuất.
HS tốt nghiệp nghề tiện cũng có nhiều cơ hội chọn lựa việc làm. Các trường TH Kỹ thuật Cao Thắng, TH Kỹ thuật Lý Tự Trọng, TH Công nghiệp TP.HCM... chưa bao giờ có đủ số lượng HS nghề tiện - phay để giới thiệu theo nhu cầu của các doanh nghiệp. Do đó hầu hết HS được tuyển chọn ngay trong thời gian thực tập ở các đơn vị sản xuất. Ở trường TH Kỹ thuật Lý Tử Trọng, nhiều doanh nghiệp còn đến đặt vấn đề tuyển dụng từ khi những chàng thợ trẻ này chưa tốt nghiệp. Thay vì phải tự đi tìm việc, HS nghề cơ khí chỉ cần chọn cho mình một chỗ làm phù hợp nhất.
Đặt biệt tại Quảng Ngãi, Học sinh - sinh viên tốt nghiệp hệ Trung cấp nghề và Cao đẳng nghề tại Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật Công nghệ Dung Quất không đủ để Nhà trường cung ứng cho các công ty như Công ty Công nghiệp nặng Doosan Vina, Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Nhà máy đóng tàu Dung Quất, Công ty bê tông ly tâm Dung Quất, Nhà máy sữa đậu nành VinaSoy ...
Vẫn có thể học tiếp lên đại học?
Hầu hết trường nghề đều có tuyển HS THCS. Thế nhưng xu hướng chung các trường vẫn ưu tiên chọn HS tốt nghiệp THPT vào các nghề điện, điện tử, điện lạnh vì những nghề này cần kiến thức phổ thông tương ứng phù hợp. Trong khi đó có rất nhiều nghề phù hợp với HS THCS: may, dệt, mộc, đúc, tiện - phay - bào, kỹ nghệ sắt... và đều là những nghề có nhu cầu tuyển dụng cao.
TP.HCM hiện có hai trường dạy nghề mộc: Kỹ thuật Cao Thắng và Kỹ thuật nghiệp vụ xây dựng TP.HCM. Mộc là một nghề truyền thống nhưng như sản phẩm hàng trang trí nội thất lại có nhu cầu khá lớn trên thị trường, kiểu dáng luôn thay đổi phong phú là một cơ hội tốt cho những người thợ phát huy khả năng sáng tạo và tay nghề của mình. HS nghề mộc cũng được thực tập đánh bóng, chà nhám trên máy, giảm bớt các thao tác thủ công. Và mặc dù không được nhiều HS ưu tiên chọn lựa nhưng đây cũng là nghề dễ có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp, nhiều HS có việc làm ngoài giờ từ khi còn đi học với mức thu nhập trên 1 triệu đồng/tháng.
Ông Đỗ Kỳ Công, hiệu trưởng Trường TH Kỹ thuật Lý Tử Trọng, cho rằng: "18 tuổi tốt nghiệp THPT, nếu theo học hệ CNKT, đến năm 20 tuổi họ đã có trong tay bằng nghề cấp 3. Đối với HS học nghề ngay sau khi tốt nghiệp THCS, các em sẽ có bằng bậc 3 khi mới 18 tuổi. Đó là một con đường ngắn trong khi cơ hội việc làm lại rất nhiều". Đó là chưa kể tỉ lệ thời gian thực hành nghề lại chiếm 50% trở lên nên khi ra thực tế, nhiều HS có khả năng bắt nhịp nhanh hơn HS tốt nghiệp hệ trung học chuyên nghiệp.
Để tạo điều kiện cho HS, nhiều trường nghề còn tổ chức các lớp văn hoá hệ bổ túc ban đêm cho những HS chưa tốt nghiệp chương THPT. Sau 2-2,5 năm học ở trường nghề, những HS này vừa có bằng nghề vừa có bằng văn hoá THPT. Đối với HS khá, giỏi, việc học và thi tiếp lên ĐH khối K cũng là một hướng mở để họ có điều kiện học lên cao hơn...
(Sưu tầm)