Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật công nghệ Dung Quất được nâng cấp từ trường Trung cấp nghề Dung Quất theo Quyết định số 843/QĐ-LĐTBXH ngày 03/7/2009 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Đây là loại hình Trường công lập nằm trong hệ thống Giáo dục quốc dân. Trường CĐNKTCN Dung Quất chịu sự quản lý nhà nước về dạy nghề của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, sự quản lý hành chính trên địa bàn của Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi và sự quản lý trực tiếp của Tổng cục Dạy nghề.
Qua 10 năm xây dựng và phát triển đến nay qui mô đào tạo của Trường đã đạt trên 3.000 HS - SV/năm với 14 ngành nghề khác nhau. Ngoài ra Trường liên kết đào tạo với các trường Đại học: Đại học Hàng Hải, Đại học Phòng cháy - Chữa cháy, Đại học mở TP Hồ Chí Minh, Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thủ Đức, Đại học Bách khoa Đà Nẵng để đào tạo cử nhân, kỹ sư các chuyên ngành nhằm cung ứng nguồn nhân lực chất lương cao cho sự phát triển của khu kinh tế Dung Quất và khu vực miền Trung.
Công tác quản lý hoạt động đào tạo ở Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật công nghệ Dung Quất trong những năm qua đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong việc cung ứng đội ngũ công nhân kỹ thuật lành nghề đáp ứng với yêu cầu phát triển của Khu kinh tế Dung Quất. Trong những nguyên nhân đạt được kết quả trên là Nhà trường đã gắn kết với nhà máy, doanh nghiệp trong quá trình đào tạo. Theo điều tra sơ bộ qua 9 khóa đào tạo và 7 khóa ra trường số lượng học sinh của trường được các doanh nghiệp trong khu kinh tế Dung Quất và các tỉnh khác thu nhận đạt 96% số học sinh tốt nghiệp.
Từ trong thực tiễn của nhà trường đã có những kinh nghiệm trong việc đào tạo giải quyết việc làm gắn đào tạo với các doạnh nghiệp trong quá trình nâng cao chất lượng cho học sinh.
1. Xây dựng hệ thống thông tin thị trường lao động và thông tin về đào tạo:
Việc xây dựng hệ thống thông tin thị trường lao động nhằm các mục đích là tạo điều kiện cho nhà trường biết được nhu cầu về nhân lực thuộc các ngành nghề cũng như cấp trình độ để hoạch định được các kế hoạch đào tạo và tổ chức được các chương trình đào tạo cũng như tuyển sinh phù hợp với nhu cầu của sản xuất, của thị trường lao động. Doanh nghiệp cung cấp thông tin cho nhà trường về sự phù hợp của các chương trình đào tạo, những nội dung cần cải tiến, bổ sung hoặc cần thay đổi cho phù hợp với yêu cầu của sản xuất. Đối với các doanh nghiệp biết được những thông tin đầy đủ về tiềm năng đào tạo của nhà trường, về ngành nghề, các cấp trình độ cũng như những chương trình đào tạo mà nhà trường có thể cung cấp nhân lực cho các doanh nghiệp.
Việc xây dựng hệ thống thông tin thị trường lao động giúp các doanh nghiệp có cơ hội tuyển chọn được những CNKT phù hợp với yêu cầu của sản xuất.
Ngoài việc xây dựng hệ thống thông tin về thị trường lao động, nhà trường cần thiết lập mối quan hệ chặt chẽ và thường xuyên với các doanh nghiệp là khách hàng của mình để có những thông tin về nhu cầu nhân lực của họ cả về số lượng, cơ cấu trình độ và chất lượng. Trường và các doanh nghiệp cần có những sự trao đổi thông tin hàng năm cũng như từng kế hoạch phát triển 5 năm để trên cơ sở đó nhà trường lập kế hoạch tuyển sinh và đào tạo các khóa học cho phù hợp, còn doanh nghiệp thì có cơ hội tìm được người lao động đáp ứng được yêu cầu phát triển sản xuất của mình.
Như vậy, hoạt động đào tạo của nhà trường là đào tạo các ngành nghề theo yêu cầu của thị trường lao động để cung cấp cho KKT Dung Quất, KCN trong tỉnh Quảng Ngãi và khu vực miền Trung - Tây nguyên đang là nhu cầu thực tiễn được đặt ra. Để có thể đáp ứng được nhu cầu này cả về số lượng, phù hợp cơ cấu trình độ đào tạo, cơ cấu ngành nghề nhà trường cần điều chỉnh, bổ sung chương trình đào tạo, đồng thời phải cải thiện các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo.
2. Mở rộng đào tạo theo địa chỉ và hợp tác đào tạo giữa nhà trường và các nhà máy, xí nghiệp:
Để có thể cung cấp đội ngũ CNKT đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng, nhà trường cần phải tăng cường mối quan hệ giữa nhà trường và các nhà máy, xí nghiệp. Bổ sung, hoàn thiện phương thức và hình thức liên kết. Thiết lập hệ thống trao đổi thông tin nhằm xác định những thông tin cần thiết về nhu cầu nhân lực và khả năng liên kết, thông tin về các kỹ thuật và công nghệ mới được áp dụng trong sản xuất. Hợp đồng liên kết đào tạo, tổ chức hội nghị khách hàng, ký kết hợp đồng liên kết đào tạo theo địa chỉ. Đây là một yếu tố quan trọng giữa công tác đào tạo và giải quyết việc làm của học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường.
3. Hướng nghiệp, tư vấn nghề và giới thiệu việc làm cho học sinh - sinh viên:
Để nâng cao chất lượng và hiệu quả của các khóa đào tạo, hướng nghiệp và tư vấn nghề cho học sinh, sinh viên vào học các ngành nghề phù hợp và sắp xếp việc làm cho học sinh, sinh viên tốt nghiệp là những nhiệm vụ hết sức quan trong cần được nhà trường quan tâm.
Hướng nghiệp, tư vấn nghề nhằm thu hút đông đảo học sinh có các năng khiếu, sở trường và các đặc điểm tâm sinh lý phù hợp với nghề tham gia vào các khóa học. Những học sinh này có khả năng thích ứng cao với nghề nghiệp cũng như nhanh chóng đạt tới mục tiêu đào tạo.
Các nhà máy, xí nghiệp cần tham gia vào công tác hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên. Bởi lẽ hơn ai hết, các nhà quản lý sản xuất, các kỹ sư, công nhân lành nghề là những người hiểu rõ các nội dung lao động của nghề, có thể mô tả tỉ mỉ các đặc điểm của nghề cũng như những yêu cầu của nghề đối với người lao động để giúp cho học sinh, sinh viên tìm hiểu và chọn nghề phù hợp cho mình.
Giới thiệu việc làm cho học sinh, sinh viên tốt nghiệp cũng là một nhiệm vụ quan trọng. Các nhà máy, xí nghiệp chính là những người biết về nhu cầu lao động của mình, biết những vị trí lao động còn thiếu nhân lực, giới thiệu với học sinh, sinh viên để họ có cơ hội tìm việc làm và nhà máy, xí nghiệp có cơ hội chọn được lao động phù hợp.
Tăng cường mối quan hệ giữa nhà trường và các nhà máy, xí nghiệp trong công tác hướng nghiệp và tư vấn nghề cho học sinh, sinh viên sẽ góp phần nâng cao được chất lượng và hiệu quả đào tạo.
4. Phối hợp với các doanh nghiệp, các cơ sở sử dụng nhân lực để kiểm định chất lượng đào tạo của nhà trường:
Trong cơ chế thị trường hiện nay, đối với nhà trường quản lý đầu ra có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Quản lý đầu ra không thuần túy chỉ là đánh giá kết quả học tập nói chung và kết quả tốt nghiệp nói riêng của học sinh, sinh viên, mà điều quan trọng là theo dõi về công ăn việc làm của người tốt nghiệp, khả năng thăng tiến nghề nghiệp của họ trong quá trình hành nghề, qua đó đánh giá chất lượng và hiệu quả đào tạo, điều chỉnh quá trình đào tạo cho phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động, thị trường việc làm và doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng nhân lực sau đào tạo.
Để thực hiện được điều đó, nhà trường cần có mối quan hệ chặt chẽ với các doanh nghiệp, các cơ sở sử dụng nhân lực, hệ thống thu nhận và xử lý thông tin phản hồi từ những học sinh, sinh viên tốt nghiệp, các doanh nghiệp sử dụng lao động sau khi tốt nghiệp về chất lượng và hiệu quả đào tạo, nắm bắt được nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp về cơ cấu ngành nghề và trình độ nhân lực, điều chỉnh mục tiêu, nội dung, quy mô và cơ cấu đào tạo, tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo.
Với định hướng phát triển của nhà trường giai đọan 2010 – 2015, với đội ngũ giáo viên đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng, hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy dạy hiện đại, liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp, tôi tin tưởng rằng trong giai đoạn sắp tới nhà trường sẽ gặt hái được nhiều thành công trong công tác đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho các nhà máy, xí nghiệp trong Khu kinh tế Dung Quất, các KCN tỉnh Quảng Ngãi, từng bước xây dựng uy tín và thương hiệu của mình trong khu vực miền Trung nói riêng, cả nước nói chung.
ThS Lê Thành Nam