Kỹ năng giao tiếp


KỸ NĂNG GIAO TIẾP

Bản thân mỗi người là một bộ phận của xã hội, xung quanh chúng ta có biết bao nhiêu các mối quan hệ: Gia đình, bạn bè hàng xóm, đồng nghiệp, làm ăn, ngoại giao...Vậy làm thế nào để chúng ta có thể dung hoà được tất cả các mối quan hệ đó? Đó là nhờ có kĩ năng giao tiếp đấy, bạn ạ!

Hầu hết mọi người đều đồng ý rằng, kĩ năng giao tiếp có thể ảnh hưởng tích cực đến các mối quan hệ của bạn. Biết cách đưa ra các thông tin rõ ràng mà người khác hiểu được có thể giúp cải thiện mối quan hệ của bạn và làm giảm bớt các vấn đề mà bạn có thể phải đối mặt. Vậy làm thế nào để bạn có được các kĩ năng đó và bạn sẽ vận dụng các kĩ năng đó vào thực tế cuộc sống của bạn như thế nào? Mời bạn hãy đọc một số các thông tin sau đây:

Giao tiếp là gì?

Giao tiếp là sự chia sẻ ý nghĩ, tình cảm thông tin với một hoặc nhiều người. Trong giao tiếp, chúng ta thường sử dụng lời nói để biểu đạt ý nghĩ của mình và để trao đổi thông tin với người khác. Nhưng giao tiếp không chỉ đơn giản là nói chuyện với ai đó mà trong đó còn bao hàm rất nhiều các vấn đề khác như: Bạn nói như thế nào? Bạn hiểu đối tượng giao tiếp với mình như thế nào? Làm thế nào để hai bên có thể hiểu rõ về các thông tin cùng trao đổi? Bạn làm thế nào để lần giao tiếp đó đạt được kết quả như bạn mong đợi...?

Một số cách giao tiếp cơ bản

Giao tiếp bằng ngôn ngữ: Ngôn ngữ là phương tiện để biểu đạt ý nghĩ của mỗi người. Khi bạn muốn nói chuyện hoặc trao đổi thông tin với một ai đó thì bạn phải sử dụng ngôn ngữ để truyền tải những thông điệp mà bạn muốn bày tỏ. Ngôn ngữ là một công cụ giao tiếp mà chúng ta luôn sử dụng nó hàng ngày. Nhưng để việc giao tiếp có hiệu quả hơn và truyền tải được những thông tin mà bạn muốn nói một cách rõ ràng và chiếm được cảm tình của người khác là điều mà ai cũng cần học hỏi.

Trong giao tiếp sử dụng ngôn ngữ, bạn cần chú ý:

  • Âm điệu của lời nói: Vừa phải, dễ nghe, không cao giọng quá, nói to quá hoặc nói nhỏ quá...
  • Khi nói chuyện nên tập trung vào chủ đề đang thảo luận, tránh để tư tưởng bị phân tán dẫn đến không hiểu nội dung câu chuyện.
  • Khi đối tượng giao tiếp đang nói thì ta nên lắng nghe, tuyệt đối tránh ngắt lời hoặc cướp lời của người nói khi họ chưa nói hết ý của họ.
  • Trong khi giao tiếp nên tránh "thao thao bất tuyệt" mà không chú ý đến thái độ của đối tượng giao tiếp. Hoặc đưa ra nhiều câu hỏi cùng một lúc khiến người khác không kịp trả lời.
  • Khi nói về một chủ đề nào đó, nếu ta không được rõ thì lúc này nên lắng nghe chứ không nên "nói bừa", nghĩa là phải đảm bảo sự thành thật và chính xác trong lời nói của mình.
  • Không nên bảo thủ chỉ coi trọng ý kiến của mình mà không tôn trọng ý kiến của người khác.

Giao tiếp không dùng ngôn ngữ (giao tiếp không lời): Chúng ta sử dụng ngôn ngữ cơ thể, thể hiện nét mặt, ánh mắt diễn tả ý nghĩa những gì chúng ta định nói. Kĩ năng này rất quan trọng vì nó sẽ giúp cho việc giao tiếp của bạn đạt hiệu quả hơn. Hãy cố gắng kết hợp việc giao tiếp không dùng ngôn ngữ với những gì bạn đang nói để thông điệp của bạn mang ý nghĩa điều bạn muốn nói.

Những biểu hiện có tác dụng tích cực trong giao tiếp không dùng ngôn ngữ mà bạn nên học tập và sử dụng:

  • Khi nói chuyện hoặc trao đổi một vấn đề nào đó thì bạn phải quay mặt về hướng của đối tượng giao tiếp, ở tư thế ngang tầm có thể cùng đứng hoặc cùng ngồi, tránh ở tư thế cao hơn hoặc thấp hơn nhiều so với đối tượng của mình.
  • Nét mặt luôn thể hiện sự niềm nở, biểu hiện sự quan tâm tới lời nói của đối tượng, tuỳ theo nội dung câu chuyện mà thể hiện sự lo lắng, đồng cảm hoặc vui vẻ...
  • Trong khi giao tiếp bạn nên nhìn vào mắt duy trì ánh mắt với đối tượng giao tiếp.
  • Có những biểu hiện tán đồng hoặc thể hiện sự lắng nghe như: gật đầu...

Bạn nên hạn chế những hành động sau vì những hành động này không có tác dụng tích cực tới cuộc nói chuyện của bạn:

  • Không nhìn vào đối tượng giao tiếp.
  • Nét mặt cau có, chau mày...
  • Mắt nhìn đi nơi khác trong khi đối tượng đang nói.
  • Có những hành động thể hiện không quan tâm tới lời nói của đối tượng như: đọc sách, báo, tài liệu, luôn liếc mắt nhìn đồng hồ hoặc làm một việc riêng nào đó...
  • Nét mặt thể hiện sự bồn chồn, nóng lòng có vẻ như đang vội vàng đi đâu đó không chú ý tới đối tượng mình đang nói gì...

Để việc giao tiếp của bạn đạt hiệu quả, để đối tượng giao tiếp của bạn cảm thấy được tôn trọng, để bạn và đối tượng hiểu rõ hơn về các thông tin cùng trao đổi thì bạn cần chú ý lắng nghe và có sự phản hồi.

Lắng nghe: Lắng nghe là khả năng đón nhận và hiểu những thông điệp mà đối tượng muốn nói. Hãy tỏ ra là bạn đang chú ý tới người nói bằng cách gật đầu hay phản ứng đáp lại bằng những câu ngắn gọn thể hiện sự chăm chú của bạn như: ừ, à, thế à, vậy ư... Đừng ngắt lời người nói khi bạn đang nghe! Hãy lắng nghe và sẵn sàng tiếp thu chủ đề, không nên chỉ trích phê phán.

Phản hồi: Có nghĩa là sử dụng những từ ngữ của mình để nhắc lại nội dụng câu chuyện mà đối tượng đang nói bằng những câu tóm tắt ngắn gọn. Mục đích là: Để mình hiểu rõ và chính xác về những thông tin mà đối tượng đưa ra, tránh hiểu nhầm như kiểu "ông nói gà, bà nói vịt".

Đôi khi chúng ta nghĩ là chúng ta hiểu được người nói nhưng thường là chúng ta lại không hiểu! Trong trường hợp đó, hãy sử dụng kĩ năng này để giúp ta hiểu hơn về những thông điệp mà người nói đang đề cập.

Một số điều chú ý khi giao tiếp

Để kết quả của việc giao tiếp như mong đợi thì chúng ta phải có các kĩ năng giao tiếp. Bên cạnh việc sử dụng các kĩ năng trong giao tiếp thì chúng ta cần phải chú ý đến một số điểm sau:

  • Tuỳ từng đối tượng, hoàn cảnh giao tiếp mà bạn có cách ứng xử linh hoạt, phù hợp.
  • Khi giao tiếp, điều không thể thiếu được đó là sự tự tin, tự tin về bản thân và tự tin về lời nói của mình. Đừng nên tỏ ra quá rụt dè, thiếu tự tin...Điều đó không có lợi cho việc giao tiếp của bạn.
  • Nếu có cuộc gặp mặt hay một cuộc hẹn trước với một ai đó thì bạn nên chuẩn bị cho mình một tâm lý thoải mái, sẵn sàng và có thể chuẩn bị trước chủ đề mà bạn sẽ trao đổi. Như vậy sẽ mang đến cho bạn sự tự tin, chủ động trong lần giao tiếp đó.
  • Một yếu tố tuy nhỏ nhưng có tác dụng rất lớn đến hiệu quả giao tiếp của bạn - đó là trang phục. Bạn nên chú ý đến cách ăn mặc của mình, không nên ăn mặc quá kệch cỡm, hở hang hay quá luộm thuộm - bởi dù bạn có nói hay đến đâu thì qua vẻ không lịch sự của bạn cũng đã khiến người khác mất cảm tình ngay từ giây phút đầu tiên.

Làm gì khi giao tiếp có những bất đồng về quan điểm?

Không phải lúc nào bạn và đối tượng giao tiếp cũng có cùng quan điểm về một vấn đề nào đó. Mỗi người một suy nghĩ, trước một vấn đề mỗi người sẽ có cách nhìn nhận khác nhau. Vậy trong những lúc như vậy bạn sẽ làm gì?

Không nên có phản ứng. Bạn không nên có phản ứng gay gắt ngay từ đầu. Mà nên dành thời gian để suy nghĩ về điều đã nói và hiểu cảm giác của người nói trước khi bạn đáp lại. Hãy đợi đến khi bạn có đủ thông tin để tránh đưa ra những giả thuyết sai.

Không nên chỉ chích hay phê phán: Quan điểm của mỗi người còn phụ thuộc vào rất nhiều các yếu tố như: nhận thức, trình độ hiểu biết, tính cách....của mỗi người. Vì vậy, chẳng có gì phải căng thẳng nếu ai đó không đồng quan điểm với mình. Nếu quan điểm của mình là tích cực thì cũng không nên chỉ chích hay phê phán, xem thường, chế nhạo suy nghĩ, quan điểm của người khác. Hãy trao đổi dần dần sẽ có lúc bạn và người đó sẽ hiểu nhau hơn.

Không nên chung chung. Không nên nói một cách chung chung mà nên nói cụ thể, tập trung vào chủ đề đang thảo luận. Không chuyển chủ đề cho tới khi giải quyết xong.

Sử dụng các câu bắt đầu bằng đại từ “tôi”. Những câu bắt đầu bằng đại từ “tôi” có thể giúp bạn diễn tả được cảm giác, thái độ, mong muốn của bạn. Sử dụng các thông điệp “tôi” sẽ giúp bạn tránh người khác có cảm giác bạn đang tấn công họ. Ví dụ, nói “Tôi cảm thấy không được hài lòng…” sẽ có tác dụng tích cực hơn là nói: “Bạn làm tôi không được hài lòng…” Hoặc "Tôi nghĩ rằng, nên làm theo cách này sẽ có hiệu quả hơn..." sẽ có tác dụng tích cực hơn là nói "Bạn hãy làm theo phương án này..." Với cách sử dụng câu tôi cho phép bạn thể hiện cảm giác của mình mà không có sự chỉ trích trực tiếp vào người khác.

Cách giao tiếp trong vấn đề tình dục và cách thương lượng với bạn tình?

Về tình dục

  • Khi thảo luận về việc không sinh hoạt tình dục và tình dục an toàn. Bản thân bạn có quyền quyết định bạn muốn sinh hoạt tình dục hay không. Nếu bạn quyết định bạn không muốn sinh hoạt tình dục thì hãy nói điều này với người bạn của bạn. Nếu người ấy không tôn trọng quyết định của bạn thì có nghĩa là anh ta/cô ta không tôn trọng bạn.

Nếu bạn quyết định muốn có quan hệ tình dục thì hãy chuẩn bị thời gian để nói chuyện về những gì bạn muốn trước khi bạn tiến xa hơn. Hãy thảo luận với bạn của bạn về các biện pháp tránh thai như dùng bao cao su để tránh cho các bạn không có thai và không bị lây nhiễm các bệnh qua đường tình dục.

  • Cần rõ ràng. Nếu bạn chưa rõ về những mong muốn của bạn trai/bạn gái của bạn, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến tình dục thì bạn nên trao đổi thẳng thắn, rõ ràng với bạn ấy để biết rõ hơn.

Nếu bạn cảm thấy chưa chắc chắn là đã sẵn sàng cho "chuyện ấy" thì hãy dứt khoát có câu trả lời là KHÔNG và DỪNG LẠI. Hãy chờ đợi cho tới khi bạn đã thực sự sẵn sàng cho "chuyện ấy", tốt nhất là sau khi đã kết hôn.

  • Nếu bạn nhận được lời đề nghị có quan hệ tình dục thì nên có câu trả lời rõ ràng và dứt khoát. Nếu bạn chưa sẵn sàng cho việc có quan hệ tình dục thì đừng nên im lặng trước lời đề nghị đó. Bởi nếu bạn im lặng có thể sẽ khiến bạn của bạn hiểu "im lặng là đồng ý", như vậy vô tình bạn đã tự đẩy mình vào tình thế "khó xử". Nói không với quan hệ tình dục trước hôn nhân và quan hệ tình dục không an toàn luôn là một quyết định sáng suốt.

Thương lượng với người bạn của mình

Bạn hãy thử đặt mình vào tình huống sau và suy nghĩ về cách thương lượng với người bạn của mình.

Tuấn 19 tuổi, Lan 18 tuổi. Tuấn và lan yêu nhau đã được một năm. Trong một lần đi chơi chỉ có hai người, Tuấn đã đề nghị quan hệ tình dục với Lan. Lan không muốn hai người có "chuyện đó" khi chưa phải là vợ chồng. Mặc dù Lan đã từ chối nhưng Tuấn vẫn cố nài nỉ, để được quan hệ tình dục với cô. Tuấn còn đưa ra lý do các lý do để thuyết phục Lan, như: Vì anh rất yêu em. Đằng nào chúng ta cũng cưới nhau. Em hãy chứng minh tình yêu của em dành cho anh đi....Nếu bạn là Lan, bạn sẽ nói với Tuấn như thế nào để từ chối hoặc trì hoãn việc quan hệ tình dục?

Để câu trả lời của bạn có tính thuyết phục và thay đổi được tình thế theo mong muốn của mình, bạn có thể làm theo các bước sau:

1. Trước tiên, bạn cần nói rõ, ý kiến quan điểm của bạn với Tuấn là: Không quan hệ tình dục trước hôn nhân.

2. Nếu Tuấn vẫn cố gắng nài nỉ để có quan hệ tình dục thì bạn hãy khẳng định lại là: Bạn không muốn làm chuyện đó khi hai người chưa phải là vợ chồng và hãy đưa ra các lý do để thuyết phục bạn trai.

Các lý do mà bạn có thể nói với bạn ấy là:

  • Bây giờ em chưa thực sự sẵn sàng cho chuyện ấy!.
  • Em chỉ làm chuyện đó khi chúng ta đã kết hôn!.
  • Quan hệ tình dục không an toàn có thể dẫn đến mang thai ngoài ý muốn và em không muốn điều đó xảy ra!.

3. Nếu Tuấn vẫn đưa ra các lý do để thuyết phục, bạn có thể nói: "Em biết, anh rất yêu em nhưng chúng ta nên chờ đợi cho tới khi chúng ta trở thành vợ chồng..." Hoặc có thể trì hoãn:"Bây giờ em muốn trao đổi với anh quan điểm của em về vấn đề này"....

4. Nếu Tuấn vẫn đang trong tình trạng bị kích thích mạnh bởi ham muốn tình dục, hãy tìm cách để phân tán tư tưởng bằng cách hướng bạn ấy sang một chủ đề khác hoặc thay đổi không gian. Bạn có thể nói với bạn ấy:

  • Hôm nay chúng ta đi chơi rất vui, nhưng bây giờ đã đến lúc phải đi về, chắc mọi người ở nhà đang đợi!.
  • Anh ơi! Em muốn đến nơi khác. Ở đây vắng vẻ quá, em rất sợ!
  • Bây giờ em rất muốn ăn một thứ gì đó, chúng ta thử đi kiếm xem có gì ăn được không?

Trong từng hoàn cảnh không chỉ trong vấn đề về tình dục mà trong tất cả mọi vấn đề của cuộc sống, chúng ta đều cần phải có những thương lượng. Biết cách giao tiếp tốt, biết cách thương lượng sẽ giúp bạn giảm được những nguy cơ, hậu quả, đe doạ tới sức khoẻ, tính mạng, tương lai của bạn, giúp bạn đương đầu tốt hơn với hoàn cảnh của mình. Qua đó còn thể hiện được tính cách kiên định của bạn và làm cho đối tượng giao tiếp hiểu bạn hơn.

 

 

Tiện ích

Chứng nhận kiểm định

 

Cơ quan chủ quảnTổng cục Giáo dục nghề nghiệp

Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất

:

QUẢN LÝ ĐÀO TẠO

Điện thoại: (0255) 6525.940
This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

TUYỂN SINH - QUAN HỆ DOANH NGHIỆP

Điện thoại: (0255) 2212.738
This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

CHẾ ĐỘ CHÍNH SÁCH

Điện thoại: (0255) 2213.123
This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

Hình ảnh

showshowshowshowshowshowshowshowshowshowshowshow