Một điểm mới vừa được Bộ GD-ĐT đưa ra là các trường đại học (ĐH), học viện không được phép đào tạo trình độ trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) như trước đây.
Rất nhiều trường hồ hởi đón nhận quy định này với hi vọng sẽ chấm dứt thời kỳ các trường cao đẳng (CĐ), trung cấp đào tạo lép vế, khổ sở trong cuộc cạnh tranh tuyển sinh và đào tạo bậc TCCN với các trường ĐH, vốn được người học ưu tiên chọn lựa. Trường ĐH sẽ trở về với vai trò của mình, tập trung cho khâu đào tạo ĐH, CĐ.
Quy định mới này cũng nhằm hạn chế việc nhiều trường (đặc biệt trường ngoài công lập) tuyển sinh tràn lan hệ TCCN, với hứa hẹn người học sẽ dễ dàng có tấm bằng ĐH bằng con đường liên thông trong cùng trường.
Trường “nâng cấp” than khó
Hồ hởi nhất chính là các trường TCCN. Song, ngay cả với nhiều trường ĐH dù được nâng cấp từ trường CĐ, thậm chí điểm xuất phát là từ các trường trung cấp cũng đã xây dựng lộ trình rất rõ ràng, giảm dần chỉ tiêu trung cấp từ các năm trước, tập trung nguồn lực đào tạo hệ ĐH, CĐ bảo đảm sẽ chấp hành nghiêm túc quy định của bộ.
TS Trần Trung, hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên, cho hay: “Năm 2011 bộ cho chỉ tiêu thì trường vẫn tuyển đủ 100 học sinh. Năm tới trường sẽ không tuyển sinh hệ trung cấp nữa. Trường sẽ tập trung vào đào tạo từ CĐ trở lên” - ông Trung cho hay.
Tuy nhiên nhiều trường ĐH khác, đặc biệt là những trường vốn mới vừa được nâng cấp từ các bậc dưới lên, tỏ ra không đồng tình. Nhiều trường cho biết sẽ kiến nghị bộ xem lại chủ trương này.
Ông Bùi Đức Hiền, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Điện lực, cho hay trường chỉ đào tạo trung cấp hệ thống điện, có ý nghĩa đặc thù cho ngành điện. Do đó, nếu thực hiện thông tư của bộ thì không chỉ trường mà cả ngành điện sẽ gặp khó.
“Bậc trung cấp của trường chỉ đào tạo duy nhất một ngành cho công nhân hệ thống điện với giáo trình và thiết bị điện, đường dây điện cao thế, máy biến áp lớn mà không phải trường trung cấp nào cũng có đủ điều kiện để phục vụ học sinh - ông Hiền cho biết - Mỗi năm trường có 1.000 chỉ tiêu, nếu không được đào tạo nữa thì ngành điện thiếu hụt hàng nghìn công nhân truyền tải điện mỗi năm”.
Cần lộ trình?
Ông Trần Đức Quý, hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, cũng cho hay trường sẽ báo cáo Bộ Công thương, từ đó dự kiến đưa ra ý kiến chính thức gửi đến Bộ GD-ĐT xem xét điều chỉnh nội dung chỉ đạo.
Từ góc độ các trường địa phương, TS Nguyễn Huy Vị, hiệu trưởng Trường ĐH Phú Yên, tâm tư: “Bản thân các trường ĐH địa phương được sinh ra để gắn với cộng đồng, phục vụ bài toán nhân lực tỉnh nhà. Hơn 50% học sinh nghèo, tỉnh lẻ không có điều kiện vật chất và học lực để học CĐ, ĐH, cũng không có khả năng đi học ở xa”.
TS Vị cũng cho rằng việc chấm dứt đào tạo TCCN ở trường ĐH có thể dẫn đến việc mất cân đối nhân lực nhiều ngành nghề. Ông dẫn chứng ở ngành sư phạm: “Trường ĐH Phú Yên, cũng như nhiều trường ĐH địa phương khác, được hóa thân từ trường trung cấp, CĐ sư phạm tỉnh nhà, là nơi đảm nhận nhiệm vụ đào tạo giáo viên cho địa phương.
Hiện tại giáo viên tỉnh đến tuổi về hưu ào ạt, nhu cầu giáo viên mầm non rất lớn. Nếu bộ không cho chúng tôi đào tạo trung cấp sư phạm nữa thì lấy đâu ra nguồn giáo viên cho tỉnh”.
Không chỉ có rắc rối ở ngành sư phạm, nhiều ngành nhóm kỹ thuật, chăn nuôi - thú y... vốn chỉ đào tạo ở hệ TCCN trường ĐH địa phương, nay bộ “cắt” chỉ tiêu tuyển sinh, nhiều người cho rằng học sinh sẽ khó khăn hơn trong việc tìm chỗ học.
Trong khi đó, TS Kiều Xuân Hùng, phó hiệu trưởng Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM, cho rằng: “Lý tưởng nhất nên có lộ trình trong ba năm chẳng hạn, chỉ tiêu tuyển sinh TCCN của các trường sẽ giảm dần về 0. Như vậy sẽ dễ hơn cho các trường. Thực tế đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất đào tạo TCCN khác với CĐ, ĐH. Khối ngành kinh tế không có thiết bị nhiều, giáo viên cũng dễ chuyển đổi. Còn các trường đào tạo ngành kỹ thuật đầu tư lớn hơn, ngưng đào tạo ngay, vật tư, thiết bị bỏ đi đâu? Đó là chưa kể đội ngũ giáo viên dạy thực hành ở bậc TCCN sẽ bố trí công việc thế nào?”.
Trước những phản ứng từ phía các trường, trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 9-12, ông Nguyễn Văn Áng - vụ phó Vụ Kế hoạch - tài chính (Bộ GD-ĐT), cho hay ngay khi xây dựng thông tư, đã có nhiều ý kiến trái ngược nhau về quy định mới, kể cả trong đội ngũ quản lý giáo dục. Bộ đã dự đoán được một số tình huống phát sinh khi quyết định ban hành thông tư.
“Nhiều trường ĐH than khó, nhưng cũng chính các trường này khi lập đề án xin nâng cấp từ trường trung cấp lên CĐ, rồi từ trường CĐ lên ĐH lại liệt kê đủ tiềm lực phát huy trí tuệ tập thể, đào tạo nguồn lực chất lượng cao trình độ ĐH, CĐ. Nhiều trường nâng cấp lên ĐH đã 5-7 năm, đủ thời gian điều chỉnh đội ngũ, phải thực hiện được tư duy chiến lược do chính họ đề ra chứ” - ông Áng chia sẻ.
Thống kê của Bộ GD-ĐT cho thấy hiện các trường TCCN thật sự chỉ đào tạo khoảng 40% số học sinh TCCN. 60% còn lại do các trường ĐH, CĐ với tay ra đào tạo. Theo ông Áng, Điều 42 Luật giáo dục quy định rất rõ “trường ĐH đào tạo trình độ ĐH, CĐ và thạc sĩ, tiến sĩ khi được phép”, nhưng luật chưa được thực hiện nghiêm.
“Các trường ĐH lấy lý do luật không cấm nên cứ vô tư tuyển sinh hệ TCCN. Nhưng trong luật công, pháp luật chỉ cho phép làm những gì luật quy định, chứ không thể thoải mái làm những gì luật không cấm. Việc các trường ĐH đào tạo cả trình độ TCCN tạo ra cảnh giẫm chân lên nhau, nói một cách nôm na là các trường ĐH “vơ bèo, gạt tép”, tranh cả thị phần thấp của trình độ TCCN” - ông Áng thẳng thắn bày tỏ.
(Theo tuoitre.vn)