Đó là nhận định của PGS. Văn Như Cương khi ông nhận định về Đề án hoàn thiện Khung cơ cấu giáo dục quốc dân vừa được Bộ GD&ĐT trình Chính phủ.
Đổi mới dè dặt
Mới đây Bộ GD&ĐT có tờ trình Chính phủ Đề án hoàn thiện Khung cơ cấu giáo dục quốc dân, nhận định về khung cơ cấu giáo dục quốc dân mới, PGS. Văn Như Cương (Chủ tịch Trường phổ thông Lương Thế Vinh, Hà Nội) cho rằng cơ bản có một số đổi mới, đặc biệt là giáo dục đại học khi đề xuất giảm thời gian học đại học, cao đẳng còn từ 2-3 năm. Những thay đổi ở bậc đại học có vẻ phù hợp với xu thế chung của quốc tế.
Đối với cấp phổ thông từ tiểu học tới THPT cơ bản vẫn giữ nguyên số năm học. Bậc tiểu học và THCS là bậc cốt lõi giống nhau thống nhất trong toàn quốc. Riêng bậc THPT có sự phân hóa, được chia thành ba hướng “định hướng chung”, “định hướng kĩ thuật-công nghệ”, “định hướng năng khiếu”.
Theo đánh giá của PGS. Văn Như Cương, định hướng chung sẽ vẫn học theo kiểu hàn lâm như hiện nay.
Với những học sinh muốn ra đời sớm thì có thêm hệ thống trường trung cấp dạy nghề, cao đẳng dạy nghề (ra nghề sớm hơn so với hiện tại), đây là một chi tiết quan trọng theo đánh giá của PGS. Cương.
“Tôi cho cũng là hợp lí, vì thực tế khung giáo dục của chúng ta hiện nay không phải bất hợp lí nhiều, vấn đề là cần có một số điều chỉnh cho hợp lí hơn. Nhưng tôi vẫn băn khoăn việc chúng ta định hướng như vậy thì số học sinh học phổ thông ra nghề sớm thì định hướng tỉ lệ bao nhiêu là phù hợp?” PGS. Văn Như Cương cho biết.
Theo quan điểm của PGS. Văn Như Cương, cần phải hoạch định rõ ràng số lượng bao nhiêu học hết cấp THPT (có thể là 60-70%) tiếp tục học phổ thông theo ba hướng như trong đề án, còn lại đi học nghề để đào tạo ra công nhân có tay nghề (số lượng này chiếm bao nhiêu chưa rõ).
PGS. Văn Như Cương trao đổi với phóng viên. Ảnh Xuân Trung
Ngay trong việc định ra bậc THPT đi theo ba hướng thì hướng “hàn lâm”, hướng “kĩ thuật công nghệ” hướng “năng khiếu” cũng cần quy định cụ thể tỉ lệ.
Bài học trước đó khi chúng ta phân ban, có ban A, ban B, ban C vì không phải tất cả học sinh vào học hết ban khoa học kĩ thuật mà cần có thêm ban khoa học xã hội và nhân văn. Hiện các trường không còn khái niệm phân ban, chỉ còn khối A, khối B, C (phân loại để thi vào đại học).
“Hiện nay mọi học sinh đều đổ xô vào học đại học, phần đi học nghề rất ít. Khi các em vào THPT thì học theo hướng hàn lầm là chủ yếu. Vậy trong khung cơ cấu mới cần phải tính tới khâu điều tiết hay không? Có phân luồng, cơ sở để phân luồng và biện pháp của phân luồng” PGS. Văn Như Cương cho biết.
Lấy ví dụ ở Đức, việc phân luồng được thực hiện ngay sau THCS, các em sau khi tốt nghiệp được chia thành hai luồng, luồng học lên phổ thông và luồng đi vào học nghề.
Luồng nào cũng thể hiện tính ưu việt, cũng tốt, tuy nhiên luồng theo học nghề sẽ ra trường sớm hơn, đi làm sớm hơn và vẫn được học lên bậc cao. Còn ở Khung cơ cấu của Bộ GD&ĐT không thể hiện được điều này.
Trong khung cơ cấu của Bộ GD&ĐT trình Chính phủ có đoạn: “…đối với những học sinh muốn ra đời sớm thì học trung cấp nghề, cao đẳng nghề…”.
“Tôi không hiểu nói như thế là như thế nào, đáng lí ra phân luồng phải sau THCS và thành hai luồng, luồng đi theo dạy nghề và luồng lên THPT. Có phải chăng các trường nghề, cao đẳng nghề không thuộc Bộ GD&ĐT quản lí nên không nói rõ chỗ này, đây là một thiếu xót?” PGS. Cương đặt dấu hỏi.
Phân luồng sau THCS và chú trọng vào học nghề
Từ những nguyên nhân trên nên chúng ta có thực trạng người học học lên cao mãi để rồi nhiều cử nhân thất nghiệp. “Trong lúc đề hội nhập vào cộng đồng ASEAN, chúng ta cần những công nhân có tay nghề cao, nếu không chuẩn bị tốt thì chúng ta sẽ thua.
Ví như doanh nghiệp chúng ta cần tuyển một công nhân, trong khi đó công nhân Malaysia sang, công nhân Singapore sang mà công nhân họ ý thức tốt, tay nghề cao chắc chắn chúng ta sẽ thua” PGS. Cương nhận định.
Do đó, ý thức lao động, kỉ luật lao động là hết sức quan trọng. Theo PGS. Văn Như Cương, hiện nay cả xã hội ta là xã hội lười biếng, do đó nói năng suất lao động ta thua hàng chục lần với các nước trong khu vực là điều không oan.
Cũng theo nhà giáo Văn Như Cương, hiện nay chúng ta đang bỏ rơi, không chú trọng vào đào tạo nghề. Ngay cả ba hướng được vạch ra trong cấp THPT ở khung cơ cấu mới cũng chưa thấy nói định hướng nên theo hướng nào nhiều hay ít. Triển khai nội dung như trong khung cơ cấu đề xuất của Bộ GD&ĐT thì nhất định học sinh chỉ hướng theo đại học.
“Do đó, nhất định sau THCS chúng ta phải phân luồng, một bên học tiếp lên THPT mà một bên học nghề, trong học nghề học thêm văn hóa để có một trình độ cao hơn. Bởi học hết lớp 9 là xong phổ thông cốt lõi, đạt sự hiểu biết của một công dân.
Thậm chí ngay chính cấp THPT cũng phải có phân loại để điều tiết tỉ lệ học sinh theo hướng nghiên cứu ít đi. Thực ra chúng ta đang thiếu những người học xong có thể ra ứng dụng làm việc được ngay” PGS. Văn Như Cương chia sẻ.
Hiện tại, trên thế giới có một số quan điểm cho rằng giáo dục phải áp dụng linh động cho từng vùng miền và cũng để gần với thực tế hơn, do đó việc xây dựng chương trình có thể giao cho địa phương, Bộ GD&ĐT chỉ ban hành các khung chuẩn hành động.
Quan điểm của PGS. Văn Như Cương cho rằng, ý tưởng này độc đáo nhưng thực tế áp dụng ở Việt Nam là rất khó. Ngay trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể cũng có dành số lượng chương trình nhất định cho địa phương, nhưng điều này nên hạn chế. Bởi vì năng lực ở địa phương có hạn, trong khi làm sách giáo khoa, chương trình rất phức tạp.
“Nếu nhìn vào khung cơ cấu giáo dục quốc dân mà Bộ GD&ĐT trình chính phủ mà được áp dụng thì tình hình không có gì thay đổi, vẫn như cũ. Cuối cùng mọi người vẫn một cách học là để đi thi, tình trạng học thêm cũng vẫn như vậy.
Trong khi đó cái chúng ta cần thay đổi ngay lúc này là học để có hiệu quả ngay, học xong phổ thông đi học nghề ra phải làm việc được, học xong đại học phải làm được việc, sự học phải gắn liền với thực tế, với sự phát triển của đất nước” PGS. Văn Như Cương đề nghị và mong muốn.
(Theo Giáo dục Việt Nam)