Theo thống kê của Bộ LĐ-TB-XH, gần đây tỷ lệ thất nghiệp tăng cao ở lứa tuổi từ 15 - 24. Trong quý 1.2014 đã ghi nhận hơn 504.000 người trong lứa tuổi này thất nghiệp, tăng 54.400 người so với quý 4.2013. Đáng chú ý, có tới 21,2% người độ tuổi từ 20 - 24 có trình độ từ ĐH trở lên bị thất nghiệp.
Nhiều cử nhân đến tìm việc ở hội chợ việc làm, nhưng đa số nhà tuyển dụng chỉ cần lao động có tay nghề
Nguyên nhân chính, theo ông Nguyễn Bá Ngọc, Phó viện trưởng Viện Khoa học Lao động Xã hội (Bộ LĐ-TB-XH), là do chất lượng đào tạo trong các trường ĐH chưa cao nên cử nhân ra trường không đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của các cơ quan, doanh nghiệp.
Ông Hoàng Hữu Niềm, Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp (Sở GD-ĐT Hà Nội) cũng cho rằng, dù chưa có thống kê đầy đủ, nhưng số cử nhân của Hà Nội thất nghiệp rất lớn do số đào tạo vượt quá nhu cầu sử dụng. “Nhiều bậc cha mẹ cố cho con vào ĐH nhưng chưa biết ra trường sẽ làm gì. Trong khi chất lượng đào tạo của các trường ĐH ngày càng giảm sút nên nhiều sinh viên ra trường không làm được việc, có ngành đã quá thừa lao động nên không có nhu cầu tuyển dụng, dù đó là thạc sĩ, tiến sĩ”, ông Niềm nói.
Tại Hà Nội, tình trạng cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ đi học nghề không còn là chuyện lạ. Theo ông Dương Đức Lân, Phó tổng Cục trưởng Tổng cục dạy nghề (Bộ LĐ-TB-XH), nhiều trường nghề có sinh viên là những người đã tốt nghiệp ĐH nhưng đang thất nghiệp. “Tôi từng đi thăm một doanh nghiệp may mặc, họ có 600 công nhân thì 200 người đã tốt nghiệp ĐH, nhiều người có tới hai bằng ĐH”, ông Lân cho biết.
Theo tìm hiểu của Thanh Niên, trường Trung cấp kinh tế du lịch Hoa Sữa, mỗi năm có hàng chục cử nhân đến xin học nghề.
(Theo Thanhnien.com.vn)