Với xu hướng sàng lọc, chọn lựa của người học nghề, các trường phải đáp ứng theo xu hướng nâng cao trình độ đào tạo nghề đạt chuẩn quốc tế. Nhiều trường dạy nghề ở Quảng Ngãi hiện đang liên kết đào tạo với các chuyên gia, trường nghề các nước trên thế giới, đặt nền móng hướng mục tiêu trên.
Đào tạo, trao đổi giáo viên
Ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… các trường, cơ sở dạy nghề có nhiều điều kiện tương tác, liên kết với nước ngoài để đào tạo nguồn nhân lực theo chuẩn quốc tế. Đối với các tỉnh, thành phố khác, việc đào tạo nghề nâng chuẩn quốc tế gặp nhiều khó khăn hơn.
Sau nhiều khóa kiểm tra các điều kiện, Ths Trần Ngọc Dũng, Trưởng khoa Điện - Điện tử, Trường cao đẳng nghề Kỹ thuật công nghệ Dung Quất (Quảng Ngãi) tham gia chương trình Đào tạo nâng cao kỹ năng giảng dạy tại CHLB Đức. Trong năm tháng tại đây, anh được các chuyên gia hỗ trợ phương pháp đào tạo, cách tiếp cận khác nhau về các chuyên ngành tự động hóa, gia công kim loại, khí nén, điện tử.
Theo Ths Dũng, hệ thống đào tạo nghề “kép” của Đức gắn kết lý thuyết, kỹ năng ở trung tâm đào tạo và thực hành ở doanh nghiệp. Những tư vấn, giải pháp của các chuyên gia Đức về chương trình đào tạo, an toàn lao động, ý thức của người lao động học nghề là điểm khác biệt lớn trong đào tạo nghề đạt chuẩn quốc tế mà anh được tiếp cận. “Phương pháp và tiếp cận của chương trình đào tạo nghề chuẩn quốc tế ở Đức là đào tạo gắn với an toàn, ý thức của người lao động. Nếu mình tuân thủ phương pháp, cách tiếp cận đấy thì học viên có tay nghề cao, chất lượng, an toàn lao động và tính kỷ luật cao. Đó là những quy trình đào tạo cơ bản nhất để đạt chuẩn quốc tế”, Ths Dũng nhấn mạnh.
Trong hai năm qua, nhiều trường cao đẳng, trung cấp nghề tỉnh Quảng Ngãi mở rộng liên kết trao đổi giảng viên, nghiên cứu sinh tham gia các chương trình đào tạo nghề chất lượng cao ở các nước Pháp, Đức, Nhật Bản, Canada, Hàn Quốc… Hơn 70 giảng viên, nhà quản lý tham gia các chương trình liên kết đào tạo nâng cao kỹ năng giảng dạy các chuyên ngành điện, điện tử, công nghệ ô-tô, điều dưỡng, du lịch…
Ths Võ Thị Nga, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Quảng Ngãi chia sẻ, xu hướng lựa chọn đào tạo chuẩn quốc tế là tất yếu để nâng uy tín, chất lượng của các trường nghề. “Chúng tôi đang triển khai nhiều chương trình trao đổi giáo viên, sinh viên với Nhật, Canada… Các trường nghề muốn khẳng định thương hiệu, chất lượng đào tạo thật sự cho sinh viên nghề thì phải nâng nền đào tạo đạt chuẩn. Trường nghề phải có chiến lược, cải cách trong chương trình, phương pháp cùng với hợp tác quốc tế thì mới đạt được mục tiêu đào tạo”, Ths Nga khẳng định.
Nhân lực cơ sở hướng đến chuẩn quốc tế
Dù đủ điều kiện học đại học nhưng sau khi cân nhắc, em Lê Văn Nghĩa (xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa) quyết định học nghề tại Khoa Cơ khí động lực của Trường cao đẳng Kỹ nghệ Dung Quất. Được hướng dẫn bởi các giáo viên dày dạn kinh nghiệm và môi trường đào tạo chuẩn quốc tế, Nghĩa tin rằng lựa chọn này sẽ giúp em có việc làm, thu nhập tốt sau khi ra trường.
“Trước khi đến trường này, đã tìm hiểu rất kỹ, em thấy chương trình học, thực hành sát thực tế. Học ở trường có tay nghề tốt thì mình sẽ được doanh nghiệp tiếp nhận, được chọn việc làm sẽ khả quan hơn”, Nghĩa hy vọng.
Nhiều năm qua, công tác dạy nghề ở Quảng Ngãi gặp khó trong tuyển sinh, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các khu kinh tế, khu công nghiệp. Để thu hút học sinh, các trường triển khai nhiều chương trình liên kết đào tạo nhân lực nghề với các nước có trình độ tiên tiến. Xu hướng liên kết đào tạo, trao đổi giáo viên các trường nghề đang dần đặt nền móng cho nguồn nhân lực chất lượng cao trong tương lai. Ngành nghề vận hành thiết bị chế biến dầu khí, bảo trì hệ thống thiết bị cơ khí, điện tử, ô-tô là lựa chọn ưu tiên phục vụ nhu cầu cho các dự án trọng điểm tại khu kinh tế Dung Quất nói riêng và miền trung nói chung.
Đến nay, Quảng Ngãi đã đào tạo 35 công nhân nghề, kỹ sư vận hành qua các chương trình đào tạo cao đẳng chất lượng cao cấp độ quốc tế của Cộng hòa Liên bang Đức, Pháp; gần 200 lượt giáo viên, sinh viên, nghiên cứu sinh tham gia các chương trình trao đổi đào tạo chất lượng tại Nhật, Canada, Thái-lan. Đây là bước đột phá, đặt nền tảng cho tỉnh tiếp tục thực hiện chiến lược chuẩn hóa quốc tế nguồn nhân lực.
“Ngoài nhiệm vụ đào tạo nghề chung, thì chúng tôi vẫn tiếp tục lựa chọn nguồn học sinh, tập trung đào tạo chất lượng quốc tế qua các chương trình hợp tác với các nước có thế mạnh về dạy nghề như Pháp, Đức hay một số nước châu Âu. Xác định rõ chiến lược, phân khúc dạy nghề tương ứng với trình độ, năng lực của người học, tuyển sinh đầu vào sẽ là nền tảng của đào tạo nghề trong tương lai”, TS Nguyễn Hồng Tây, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Kỹ nghệ Dung Quất khẳng định.
Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) vừa công bố 45 trường cao đẳng trên cả nước được phép tuyển sinh và tổ chức đào tạo thí điểm 22 nghề chất lượng cao cấp độ quốc tế theo các bộ chương trình chuyển giao từ CHLB Đức. Chương trình sẽ tuyển 1.056 sinh viên, tổ chức thành 66 lớp tại 45 trường cao đẳng nghề chất lượng cao cho 22 nghề. Các địa phương trong cả nước hoặc một số tỉnh, thành phố theo vùng tuyển sinh của trường được lựa chọn đào tạo thí điểm.
(Theo nhandan.com.vn)