Khu kinh tế (KKT) Dung Quất được xem là KKT đa ngành, đa lĩnh vực với trọng tâm là phát triển công nghiệp lọc hóa dầu, tổ hợp công nghiệp nặng. Đây không chỉ là “điểm nhấn” cho phát triển công nghiệp của Quảng Ngãi mà được đánh giá là một trong những KKT phát triển nhanh và thành công của cả nước.
Theo BQL KKT Dung Quất, hiện đã có 113 dự án được cấp Giấy chứng nhận đầu tư vào KKT Dung Quất với tổng vốn đăng ký trên 8,5 tỷ USD, vốn thực hiện gần 5 tỷ USD, có trên 73 dự án hoạt động sản xuất kinh doanh, giải quyết trên 14.000 việc làm.
Nhà máy Polypropylene Dung Quất.
Tại KKT
Dung Quất đã hình thành Trung tâm công nghiệp nặng đầu tiên của Việt Nam, bao gồm Nhà máy lọc dầu, Nhà máy Polypropylene, Nhà máy bao bì nhựa, Nhà máy đóng tàu, Tổ hợp nhà máy chế tạo thiết bị nặng Doosan Vina, Nhà máy nhiên liệu sinh học, các nhà máy công nghiệp cơ khí, sản xuất xi măng, hệ thống cảng và các dịch vụ công nghiệp, dịch vụ đô thị…
Chỉ tính riêng trong năm 2013, tổng giá trị sản lượng công nghiệp, dịch vụ thương mại tại KKT
Dung Quất đạt 130.000 tỷ đồng, tổng nguồn thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt gần 30.500 tỷ đồng, thì trong đó đóng góp của KKT Dung Quất trên 28.500 tỷ. Như vậy có thể nói sản xuất công nghiệp tại KKT Dung Quất đã mang lại nguồn thu chủ yếu cho tỉnh.
Một trong những “biểu tượng” cho ngành công nghiệp của Quảng Ngãi nói riêng và KKT Dung Quất nói chung là Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Chỉ tính trong năm 2013, Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã đóng góp cho ngân sách nhà nước trên 28.300 tỷ đồng. Kể từ khi vận hành, Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã sản xuất và tiêu thụ đạt 26,7 triệu tấn sản phẩm các loại, tổng doanh thu đạt 543 ngàn tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước đạt trên 86 ngàn tỷ đồng.
Doosan Vina là doanh nghiệp FDI hoạt động khá thành công tại KKT Dung Quất.
Nói đến các dự án FDI đầu tư vào KKT Dung Quất và hoạt động khá thành công thì không thể không kể đến Doosan Vina. Đây là một doanh nghiệp với 100% vốn đầu tư Hàn Quốc, với vốn đầu tư ban đầu là 310 triệu USD. Doosan Vina hiện có 5 nhà máy sản xuất các chủng loại sản phẩm gồm Nhà máy sản xuất lò hơi, nồi hơi phục vụ cho các dự án nhiệt điện; nhà máy sản xuất hệ thống nâng hạ để vận chuyển container phục vụ cho dịch vụ logistics cảng biển; nhà máy sản xuất thiết bị thu hồi nhiệt; nhà máy sản xuất hệ thống khử mặn chuyển nước biển thành nước uống và nhà máy sản xuất thiết bị xử lý hóa chất gồm các loại bình bồn áp lực, tháp chưng cất phục vụ cho ngành công nghiệp lọc hóa dầu.
Theo ông Ryuhang Ha - Tổng giám đốc Công ty Doosan Vina thì hiện tất cả các sản phẩm của Doosan Vina hiện đang hoạt động tại các nước trên toàn thế giới như Anh, Algieria, Canada, Mỹ, Ả rập Xê út, các nước Trung Đông... Tại Việt Nam, Doosan Vina cũng đang tham gia tổng thầu hoặc là nhà thầu của một số dự án như dự án nhiệt điện Mông Dương 2 tại Quảng Ninh hoặc gần đây nhất là dự án nhiệt điện Vĩnh Tân 4 tại Bình Thuận.
Ông Phạm Như Sô- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, kiêm Trưởng ban Quản lý KKT Dung Quất cho biết, phát triển công nghiệp là một trong ba nhiệm vụ đột phá mà Quảng Ngãi đã xác định đến năm 2015 và những năm đến. Chính vì vậy, những năm qua, Quảng Ngãi đã có nhiều cơ chế chính sách nhằm thu hút các dự án đầu tư, đặc biệt là vào KKT Dung Quất.
Hiện KKT Dung Quất có rất nhiều thuận lợi về vị trí địa lý cũng như hạ tầng mà ít có địa phương nào có được. KKT Dung Quất đã được Chính phủ phê duyệt quy hoạch với diện tích tăng 4,5 lần. Việc mở rộng KKT Dung Quất nhằm tạo điều kiện để Quảng Ngãi thu hút đầu tư.
KKT Dung Quất được xem là KKT có vị trí khá thuận lợi.
(Trong ảnh: Cảng xuất sản phẩm Nhà máy lọc dầu Dung Quất và Cảng số 1 Dung Quất).
Sau khi Chính phủ có quyết định mở rộng diện tích KKT Dung Quất, chỉ riêng trong năm 2013, KKT Dung Quất đã thu hút rất nhiều dự án đầu tư vào đây. Trong đó đã có 6 dự án FDI. Đây được xem là một thành công rất lớn của tỉnh Quảng Ngãi. Trong đó phải kể đến việc khởi công dự án Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ VSIP Quảng Ngãi. Hiện đã có 2 nhà đầu tư đang khẩn trương thi công nhà máy tại KCN VSIP, dự kiến các nhà máy này đi vào hoạt động cuối năm 2014, góp phần giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động tại địa phương.
Ngoài VSIP thì hiện có một số dự án quy mô lớn đang chuẩn bị đầu tư như: Nhà máy nhiệt điện có công suất 1.200 MW, với tổng vốn 2 tỷ USD của Tập đoàn Sembcorp (Singapore) làm chủ đầu tư cũng đang hoàn thành các thủ tục trình các bộ, ngành Trung ương. Nhà máy thép Dung Quất trên cơ sở tích hợp Tập đoàn thép JFE của Nhật Bản và Nhà máy thép Quảng Liên. Đây là dự án khá lớn với tổng vốn đầu tư dự kiến 4-5 tỷ USD. Như vậy, các dự án sau khi triển khai xây dựng sẽ tạo bước đột phá phát triển công nghiệp tại KKT Dung Quất nói riêng, Quảng Ngãi nói chung.
Hiện nay, tỉnh Quảng Ngãi đang đẩy mạnh thu hút các dự án đầu tư vào KKT Dung Quất nói riêng, vào các KCN của tỉnh nói chung. Tỉnh Quảng Ngãi đang thuê một cơ quan tư vấn của Nhật quy hoạch khu cảng nước sâu Dung Quất 2. Cảng này được quy hoạch trên cơ sở Vịnh Dung Quất 2, có thể đón tàu có trọng tải 250.000 - 300.000 DWT, tạo tiền đề để phát triển Cụm công nghiệp nặng Dung Quất II. Khi Dung Quất II hình thành, sẽ tạo ra vùng đất khoảng 5.000 ha để phát triển công nghiệp nặng và khoảng 2.000ha để phát triển công nghiệp phụ trợ.
Bên cạnh đó, Quảng Ngãi đang đề nghị Chính phủ hỗ trợ có mục tiêu từ nguồn thu Nhà máy Lọc dầu Dung Quất cho việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của KKT Dung Quất. Ngoài ra, Quảng Ngãi sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương, Tập đoàn Dầu khí để mở rộng Nhà máy lọc dầu lên 10 triệu tấn sản phẩm/năm…
(Theo Báo Quảng Ngãi)