Trong khi sinh viên tốt nghiệp các trường đại học ngược xuôi tìm việc, thì tại nhiều cơ sở đào tạo nghề, tỷ lệ học viên tìm được việc khá cao, có nơi lên tới 80%.
Học nghề ngày càng có nhiều lợi thế bởi nhu cầu của doanh nghiệp ngày càng cao
Phó Vụ trưởng Vụ Dạy nghề chính quy, Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TB&XH) Đỗ Văn Giang cho biết, Việt Nam đang bước qua thời kỳ dân số vàng và dần mất đi lợi thế về nguồn lao động dồi dào. Do đó, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao là giải pháp quan trọng để phát triển và hội nhập. Những năm gần đây, việc tuyển sinh và đào tạo nghề đã có cải thiện, tuy nhiên, lực lượng lao động có tay nghề cao vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Năm 2015, lao động qua đào tạo nghề chỉ đạt 38,5%, tăng 18,5% so với năm 2010 nhưng vẫn chưa đạt mục tiêu 40%.
Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội Nguyễn Thị Lan Hương cho rằng, thị trường lao động đang phát triển theo yêu cầu tăng nhanh nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn kỹ thuật. “Chúng ta đang thừa lao động có trình độ đại học, cao đẳng nhưng lại thiếu nguồn nhân lực có trình độ tay nghề cao. Đây là hệ quả của việc phân luồng người học không căn cứ theo nhu cầu thực tiễn từ những năm trước bởi quá trình đào tạo luôn có độ trễ” - bà Nguyễn Thị Lan Hương nói.
Trong khi đó, thiếu hiểu biết, thiếu định hướng về chọn ngành học vẫn là thực trạng đáng báo động của phần lớn học sinh, sinh viên. Nhận thức không đúng về nghề, không biết mình muốn gì khiến việc lựa chọn trở nên khó khăn hơn. Bên cạnh đó, ở nước ta vẫn tồn tại hệ tư tưởng cố hữu, học sinh sau khi tốt nghiệp THPT đều muốn học đại học chứ không muốn học nghề. Ông Đỗ Văn Giang dẫn chứng, theo số liệu thống kê, năm 2015 có khoảng 1 triệu học sinh tốt nghiệp THPT, có tới 90% thi vào các trường đại học, cao đẳng và chỉ khoảng 10% học nghề. Thực tế, số học sinh đỗ chính thức vào các trường đại học là khoảng 60% nhưng số còn lại sẽ tiếp tục vào các trường đại học tư thục hoặc các trường cao đẳng thay vì các cơ sở đào tạo nghề.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề Cao Văn Sâm chia sẻ, học nghề ngày càng có nhiều lợi thế bởi chi phí thấp, thời gian đào tạo ngắn, nhu cầu của thị trường ngày càng cao. Hiện nay, các doanh nghiệp đang tăng cường sử dụng công nghệ quản lý, sản xuất hiện đại, vì thế lực lượng lao động gián tiếp chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 5-6%, còn lại là lao động trực tiếp, đã qua đào tạo nghề. Theo thống kê, phần lớn học sinh, sinh viên học nghề ra trường có việc làm ngay, nhiều cơ sở tỉ lệ lên tới 90%.
Bên cạnh đó, những năm gần đây, chất lượng đào tạo nghề đã được nâng cao. Nhiều cơ sở dạy nghề đã cải thiện chương trình, phát triển hệ thống trường nghề chất lượng cao và chủ động gắn kết với thị trường lao động cũng như nhu cầu của doanh nghiệp trong đào tạo. Khi học nghề, học sinh chủ yếu học thực hành kỹ năng, vì thế khi ra trường, đa số đã thạo nghề, dễ thích ứng công việc…
(Theo An Ninh Thủ đô)