Từ nước Pháp xa xôi, hai chuyên gia Jean Jacques Diverchy và François Sanchez đến Quảng Ngãi dạy nghề để đào tạo ra những người thợ toàn cầu "có việc làm ngay khi ra trường và lương cao hơn kỹ sư".
Chuyên gia Jean Jacques Diverchy hướng dẫn học sinh lắp ráp thực tế để trở thành người thợ giỏi
“Ở Pháp và các nước châu Âu, chỉ 20% người trẻ chọn tiếp tục theo con đường học ĐH. Còn lại, họ chọn học nghề để trở thành chuyên gia trực tiếp làm việc, đi khắp thế giới kiếm tiền. Nhiều người học nghề sau này trở thành bậc thầy dạy nghề toàn cầu khi đã đạt đến mức thượng thừa trong nghề
Chuyên gia FRANÇOIS SANCHEZ
Cách dạy của họ là biến những sinh viên thành những người thợ giỏi thực hành, thay vì chỉ trang bị kiến thức chuyên sâu.
Giúp bạn trẻ nâng cao tay nghề
Hôm ấy, trong xưởng thực hành Trường CĐ kỹ nghệ Dung Quất, hai “ông Tây” cắm cúi với chi tiết máy. Vây xung quanh là những sinh viên chăm chú xem, rồi lần lượt chia thành nhóm lắp ráp dưới sự giám sát chặt chẽ của hai ông thầy nước ngoài.
Khi chi tiết máy được các nhóm hoàn thành, nộp lên thầy, lập tức hai thầy dùng tay kéo mạnh để kiểm tra độ chắc chắn của việc lắp ráp. Tiếp đến, các thầy dùng những dụng cụ chuyên dụng để kiểm tra điểm đấu nối. Một milimet cũng không được sai sót, nếu không phải tháo ra làm lại toàn bộ.
Hai “ông Tây” trong xưởng thực hành ấy là Jean Jacques Diverchy và François Sanchez, hai chuyên gia đến từ nước Pháp. Cả hai đến Quảng Ngãi với hi vọng sẽ đào tạo được những người thợ toàn cầu, cung cấp nhân lực chất lượng cho những tập đoàn, công ty tầm cỡ thế giới đến Việt Nam đầu tư.
Nguyễn Thanh Tân đã là sinh viên ở một trường ĐH. Sau một năm học ĐH, cậu bất ngờ bỏ học để theo con đường trở thành thợ lành nghề.
Lý giải chuyện này, Tân nói: “Em thấy nhiều anh chị sau khi học ĐH lại thất nghiệp hoặc làm những nghề không đúng với chuyên môn, lương lại không cao. Em chọn trở thành một người thợ lành nghề để phát triển mình”.
Với sự hỗ trợ của hai thầy nước ngoài, Tân đang theo học chương trình đào tạo nghề chất lượng cao. Sau một thời gian nữa, Tân sẽ trở thành thợ máy công nghệ ôtô. Công ty Thaco Trường Hải sau khi xem kỹ năng xử lý, lắp ráp của Tân đã “đặt hàng”: sau khi tốt nghiệp, Tân sẽ trở thành người của công ty này.
Ông Jean và ông François nói hai ông quyết định đến Việt Nam khi nhận thấy ở đây lượng lao động nhiều nhưng yếu tay nghề, nên chỉ được giao những công việc đơn giản.
Trong 3 năm 2016-2019, các chuyên gia Pháp sẽ theo sát khung chương trình dạy nghề chất lượng cao tại trường để hỗ trợ.
Theo TS Nguyễn Hồng Tây - hiệu trưởng Trường CĐ kỹ nghệ Dung Quất, chương trình dạy nghề của Pháp rất phù hợp để trường học hỏi, thực hiện theo vì kiến thức sát với thực tế, giúp các học viên sau tốt nghiệp có ngay cơ hội làm việc.
“Học nhưng các em được giao lắp ráp chi tiết máy nhận về từ các công ty. Những đơn vị chúng tôi liên kết lắp ráp đều đánh giá rất cao khả năng của sinh viên, và sẽ nhận toàn bộ 60 học viên ở hai lớp chất lượng cao sau khi ra trường vào làm cho công ty họ” - ông Tây chia sẻ.
Đủ năng lực tiến ra thế giới
Trong xưởng thực hành, hai chuyên gia Pháp chẳng khác nào các sinh viên khi cùng lắp máy, cùng bàn luận. Ông Jean cùng với cộng sự của mình đã mời các doanh nghiệp có nhu cầu lao động đến nói về yêu cầu của họ cho sinh viên.
“Hiện chúng tôi đang có hai lớp điện công nghiệp và công nghệ ôtô. Tôi đảm bảo khi các bạn ra trường sẽ có việc làm ngay và lương thậm chí còn cao hơn kỹ sư. Chỉ khác là các bạn trực tiếp làm việc chứ không theo lý thuyết” - chuyên gia Jean nói.
Buổi học kết thúc nhưng tiếng nói cười vẫn còn trong xưởng thực hành. Sinh viên Nguyễn Văn Thuyên, lớp chất lượng cao điện công nghiệp, bảo rằng học nghề với thầy Jean rất thoải mái, nhưng sinh viên phải hoàn thiện bài tập đến từng chi tiết nhỏ nhất khi được giao.
Hai thầy lấy cả dẫn chứng về việc nhiều tập đoàn lớn trong ngành công nghệ điện tử, ôtô... phải chấp nhận thua lỗ và đền bù cho người tiêu dùng khi thiết bị chỉ lỗi một chi tiết nhỏ. “Tụi em không chỉ học nghề mà còn học sự chuyên nghiệp của một người thợ giỏi từ hai thầy” - Thuyên chia sẻ.
Không chỉ học nghề theo chương trình dạy của Pháp, các sinh viên còn được học các kỹ năng mềm như giao tiếp, quản lý tổ đội, xử lý tình huống nghề... Đây sẽ là những kiến thức làm nền tảng cơ bản để các sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể hòa nhập tốt nhất vào môi trường làm việc.
Sau sáu tháng trực tiếp giảng dạy, chuyên gia François nhận định sinh viên Việt Nam rất thông minh, tiếp thu nhanh và kỹ năng đạt đến trình độ của “người thợ toàn cầu”.
“Nếu có đủ khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ, sau khi tốt nghiệp các bạn hoàn toàn có thể làm việc ở các nước châu Âu. Bởi chương trình chúng tôi đang giảng dạy là đào tạo nên những kỹ thuật viên toàn cầu, có đủ khả năng, trình độ làm việc tại các tập đoàn ở châu Âu hay bất kỳ quốc gia nào trên thế giới” - chuyên gia François khẳng định.
Lỗ hổng trong đào tạo nghề
Với kinh nghiệm 15 năm đứng lớp dạy nghề ở Pháp và nhiều quốc gia khắp thế giới như Nhật, Đức, Mỹ..., ông Jean Jacques Diverchy bảo đã thấy được lỗ hổng trong đào tạo nghề ở Việt Nam.
Đó là doanh nghiệp và nhà trường chưa có sự liên kết, nên sinh viên ra trường có tỉ lệ thất nghiệp cao. Nếu nhận vào làm, doanh nghiệp lại phải tốn công đào tạo lại, lao động mới có thể làm việc.
“Thậm chí, có nhiều bạn kỹ sư đã được cấp bằng, kiến thức lý thuyết rất tốt. Nhưng khi chúng tôi đưa cho các bạn thiết bị để lắp vào thì gần như họ không thể làm được. Chính vì điều này mà các tập đoàn vào Việt Nam đầu tư họ phải tốn thời gian đào tạo lại nhân lực sau khi nhận về” - chuyên gia Jean Jacques Diverchy lý giải.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, Chính phủ Pháp sẽ hỗ trợ Việt Nam trong việc xây dựng chương trình dạy nghề phù hợp với nhu cầu thực tiễn, tại 5 trường nghề trong 3 năm 2016-2019.
Chính phủ Pháp sẽ cử những chuyên gia giỏi nhất đến Việt Nam, giúp Việt Nam đào tạo những công nhân toàn cầu, có năng lực cao, đáp ứng nhu cầu nhân lực cho các tập đoàn, công ty nước ngoài...
(Theo TRẦN MAI - tuoitre.vn)