Con số 162.000 người có trình độ đại học trở lên bị thất nghiệp mới được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội công bố khiến dư luận phải giật mình. Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, lỗ hổng hướng nghiệp và chất lượng đào tạo các trường ĐH, CĐ hiện nay là nguyên nhân chính.
Ngày hội tuyển sinh hàng năm ngày càng thu hút được nhiều học sinh THPT.
Số lượng tăng, chất lượng giảm
Nhận xét về việc học một đằng ra trường làm một nẻo hoặc không có việc làm, theo nhiều chuyên gia, định hướng nghề nghiệp cho sinh viên trong trường phổ thông và chất lượng đào tạo đại học đang thực sự có vấn đề...
“Quên” chất lượng
Trong những năm gần đây, chất lượng đào tạo ở bậc ĐH thường xuyên được nhắc đi nhắc lại tại nhiều cuộc họp bàn. Nhiều giải pháp kép đã được ngành giáo dục đưa ra nhưng xem ra vẫn chưa “đủ mạnh” để nâng cao chất lượng đào tạo.
Một trong những giải pháp thấy rõ nhất là từ năm 2009, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD - ĐT) đã yêu cầu các trường ĐH công bố tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp và đưa thông tin này lên website của nhà trường trong nội dung "3 công khai" (công khai cam kết chất lượng đào tạo, nguồn lực phục vụ đào tạo, thu chi tài chính). Về lý thuyết, nếu việc công khai “đầu ra” của sinh viên được thực hiện nghiêm túc sẽ phản ánh được chất lượng đào tạo thực chất của nhiều trường.
Tuy nhiên, sau đó, công việc này vẫn mang tính hình thức với những con số chung chung như: “đa số sinh viên ra trường đều có việc làm đúng ngành nghề đào tạo” hay “tới 90% sinh viên ra trường khóa này đều có việc làm”.
Thế nhưng khi phóng viên báo Tin Tức phỏng vấn về số lượng sinh viên có việc làm sau khi ra trường theo từng năm, thông tin công việc, mức lương, công ty... thì đại diện trường ĐH Giao thông Vận tải, ĐH Luật Hà Nội... đều lắc đầu và cho biết: “Số liệu chỉ ước chừng, đa số sinh viên sau khi ra trường đều khó liên hệ lại được”.
Ông Nguyễn Công Khanh, Giám đốc Trung tâm khảo thí và đảm bảo chất lượng giáo dục, ĐH Sư phạm Hà Nội, cho biết: Việc các trường khó bao quát được toàn bộ số sinh viên tốt nghiệp là điều dễ hiểu. Những sinh viên chưa tìm được việc làm sẽ rất khó liên hệ.
Công việc thống kê này đòi hỏi phải có nhân sự và thời gian. Trong khi việc này ở nhiều trường ĐH là việc kiêm nhiệm. Như ĐH Sư phạm Hà Nội, việc khảo sát, thống kê, công bố thông tin cần chi phí lớn, mỗi năm tới 100 triệu đồng.
Một nguyên nhân khiến chất lượng sinh viên ra trường chưa đáp ứng được nhu cầu của các nhà tuyển dụng, đó là sự bùng nổ của các trường ĐH. Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Bùi Văn Ga thừa nhận, trong một thời gian, Bộ đã cho phép thành lập nhiều trường ĐH, CĐ. Quy trình mở trường, mở ngành, cấp phép còn thiếu chặt chẽ, dẫn đến đến tình trạng có cơ sở đào tạo chưa bảo đảm điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất nhưng vẫn tổ chức hoạt động.
Do đó, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo, số lượng sinh viên tốt nghiệp tăng nhưng chất lượng nguồn nhân lực trong những năm qua không được cải thiện.
Một trong những giải pháp mạnh mà ngành giáo dục thực hiện trong 2 năm trở lại đây là việc không cho mở mới trường ĐH, CĐ, cũng như mở ngành mới khi chưa đáp ứng các điều kiện kèm theo. Dừng mở rộng quy mô tuyển sinh các ngành đào tạo trong lĩnh vực kinh tế, tài chính, ngân hàng, kế toán ở các trường khu vực Hà Nội, TP Hồ Chí Minh nhằm khắc phục dần tình trạng cử nhân tốt nghiệp những ngành này bị thất nghiệp.
Trước mùa tuyển sinh năm 2014, Bộ GD - ĐT đã quyết định dừng việc bồi dưỡng, cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm cho người tốt nghiệp cử nhân muốn trở thành giáo viên phổ thông nhằm tập trung nâng cao chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ cho những người làm nghề dạy học. Song song với việc giảm chỉ tiêu, Bộ GD - ĐT đã dừng tuyển sinh hàng trăm ngành đào tạo do chưa đủ điều kiện tuyển sinh.
Tuy nhiên, những giải pháp này chỉ mang tính chất tạm thời, chưa quyết liệt và chưa thể lay chuyển được toàn bộ hệ thống. Nhiều chuyên gia khẳng định, cần phải có những chính sách để điều chỉnh những mất cân đối ngành nghề. Bên cạnh đó, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) cần có dự báo về nhu cầu thị trường lao động, việc làm đối với từng ngành nghề, theo từng khu vực.
Thiếu định hướng nghề nghiệp
Điều này được Tổng cục Dạy nghề dẫn chứng từ sự hạn chế trong công tác phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và trung học phổ thông, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS và THPT tiếp tục học nghề và trung học chuyên nghiệp chỉ chiếm khoảng 27%. Thực tế đang có sự mất cân đối giữa lực lượng “thầy và thợ”, tỷ lệ người làm thợ chiếm chưa đến 47% lực lượng lao động có bằng cấp, chứng chỉ. Thực trạng này gây ra sự lãng phí nguồn lực trong xã hội, khiến nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp ĐH không có việc lại phải quay sang học nghề.
Ông Nguyễn Bá Ngọc, Phó Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội, Bộ LĐTBXH, cho rằng, số người tốt nghiệp ĐH thất nghiệp gia tăng cho thấy sự bất cập trong thị trường lao động Việt Nam. Trước tiên, do chưa có thông tin về lĩnh vực, ngành nghề thị trường cần nên học sinh thi vào ĐH chủ yếu theo phong trào, tâm lý đám đông; trong khi đó, các doanh nghiệp lại “khát” lao động có tay nghề. Thiếu thông tin còn lộ rõ ở từng khu vực, lĩnh vực khiến cho “cung - cầu” về thị trường lao động không gặp nhau.
Trao đổi về việc sinh viên còn “đói” thông tin nghề nghiệp, ông Phạm Huy Cường, giảng viên ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội, cho biết, trước đây nhóm nghiên cứu của ông đã thực hiện nghiên cứu điều tra sự gắn bó giữa ngành đào tạo và nghề kỳ vọng nhìn từ góc độ hướng nghiệp và tư vấn hướng nghiệp cho sinh viên ĐH Quốc gia Hà Nội. Kết quả cho thấy, đại đa số sinh viên chưa có một định hướng cụ thể nào cho nghề nghiệp của họ sau khi tốt nghiệp. Cụ thể, 70% đã trả lời: “Đã nghĩ tới công việc nhưng chưa chắc chắn và không có nhiều thông tin về nghề nghiệp”.
Ông Cường cũng cho biết, nhiều sinh viên ngay từ khi lựa chọn ngành học và trong quá trình học tập cũng không có định hướng cụ thể và không được bất cứ một lời khuyên nào về các nghề gắn bó với việc học của mình. Sự tiếp cận với ngành học, nghề nghiệp của các em là do tác động của gia đình, bạn bè hoặc đơn giản “cần có bằng đại học”.
Bên cạnh thực tế này, các chuyên gia còn cho rằng, thiếu định hướng nghề nghiệp cũng thể hiện rõ ở bậc phổ thông. Ông Nguyễn Lộc, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, cho biết, trong các tài liệu giáo dục hướng nghiệp chỉ đề cập đến một số ít nghề phổ biến trong hàng trăm nghề nghiệp hiện nay. Điều này đã ảnh hưởng đến sự lựa chọn phân ban và định hướng học tập sau này của học sinh THPT.
Trao đổi với PV báo Tin Tức về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Bùi Văn Ga thừa nhận, công tác hướng nghiệp trong trường phổ thông còn yếu. Các quy mô cũng như điều kiện cơ sở vật chất dạy nghề chưa thực sự đáp ứng được người học khiến công tác phân luồng học sinh sau THCS chưa đạt hiệu quả như mong đợi.
GS Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: Nếu các chính sách ưu đãi cho học nghề được triển khai sẽ gỡ nút thắt trong phân luồng, làm sao để vị thế dạy nghề được hấp dẫn hơn. Còn nguồn lực cho dạy nghề sẽ phải đẩy mạnh xã hội hóa; ngân sách giáo dục tập trung cho những vùng miền khó khăn, một số ngành nghề trọng điểm quốc gia và một số ngành nghề mà Nhà nước cần nhưng khó xã hội hóa. Bên cạnh đó, chúng ta cần triển khai các sản phẩm dạy nghề được xã hội chấp nhận và được đối xử công bằng so với nguồn cung cấp nhân lực khác.
(Theo Báo tin tức)