Dù đậu vào các trường đại học hàng đầu nhưng không ít bạn trẻ đã quyết định chuyển sang học nghề, nhằm tìm được việc làm ổn định.
Trong tổng số hơn 800 tân sinh viên, học sinh vừa nhập học đợt I tại trường Cao đẳng Kỹ nghệ Dung Quất (trường trực thuộc Bộ LĐ-TB & XH đóng tại huyện Bình Sơn), khoảng 40 bạn đã từng trúng tuyển vào các trường đại học.
Thế nhưng thay vì nhập học để làm "thầy", họ đã tìm đến trường nghề học làm "thợ" với mong muốn có việc làm ổn định sau khi tốt nghiệp.
Bạn Lê Thanh Tùng và Trần Thanh Quỳnh đều từng học tại trường THPT số 2 Tư Nghĩa (tỉnh Quảng Ngãi). Vừa qua, Tùng đỗ Đại học Nội vụ và Quỳnh đậu Đại học Phạm Văn Đồng.
Tuy nhiên, cả 2 đã quyết định từ bỏ cánh cổng trường Đại học để theo học chuyên ngành Điện Công nghiệp tại trường Cao đẳng Kỹ nghệ Dung Quất.
"Điều quan trọng nhất không phải là học để có được bằng cấp thật cao mà phải học để có việc làm ổn định ngay sau khi ra trường" - Lê Thanh Tùng lý giải.
Bạn Lê Thanh Tùng (bên trái) và Trần Thanh Quỳnh quyết định từ bỏ giảng đường Đại học để học nghề
Để đưa ra quyết định bỏ đại học đi học nghề, Lê Thanh Tùng đã suy nghĩ rất kỹ và tham khảo những người đi trước. Theo Tùng, sau 2 năm học cậu sẽ được nhận vào làm việc tại 1 trong 8 doanh nghiệp lớn trên địa bàn tỉnh, trong đó đích đến của cậu là khu công nghiệp VSIP Quảng Ngãi.
"Em đã tham khảo một người bạn và biết rằng vừa ra trường thì mức lương của cậu ấy đã hơn 8 triệu đồng. Theo em đây là mức lương khởi điểm khá cao so với mặt bằng chung của tỉnh Quảng Ngãi. Em tin mình đã quyết định đúng khi chọn học nghề" - Tùng nói.
Cùng quan điểm đó, Trần Thanh Quỳnh cho biết mình quyết định chọn học nghề vì thời gian học ngắn, học phí thấp và quan trọng là nhà trường cam kết giải quyết việc làm đầu ra cho sinh viên.
"Em mồ côi mẹ từ nhỏ, cha mất sức lao động hoàn toàn nên kinh tế gia đình rất khó khăn. Vì vậy em phải lựa chọn hướng đi phù hợp nhất cho mình là học nghề. Trường cam kết năm 2 là tụi em được đi thực tập tại các doanh nghiệp, trong quá trình đó tụi em còn được trả lương. Quan trọng là sau 2 năm học em sẽ có việc làm ngay để lo cho gia đình" - Quỳnh chia sẻ.
Đánh giá đúng năng lực, hoàn cảnh để chọn ngành, đây cũng là một câu chuyện của bạn Triệu Thị Thủy (tỉnh Gia Lai): Từ bỏ cánh cổng trường Đại học KHXH&NV để theo học ngành Công nghệ thực phẩm của trường Cao đẳng Kỹ nghệ Dung Quất.
Anh chị của Thủy đều đang học đại học tại TP. Hồ Chí Minh, chính vì vậy khi nghe Thủy quyết định đi học nghề ai cũng ngăn cản. Tuy nhiên, Thủy đã có những lý lẽ riêng để thuyết phục gia đình.
"Qua tìm hiểu em được biết trường Cao đẳng Kỹ nghệ Dung Quất cam kết tìm việc làm với mức lương khá cao cho sinh viên sau khi tốt nghiệp, nếu không tìm được việc trường sẽ hoàn lại học phí. Đây là những điều em cần vì thế em quyết định đi học nghề", Thủy chia sẻ.
Cam kết có việc làm ổn định sau khi tốt nghiệp đã thu hút nhiều bạn trẻ quyết định tìm đến trường nghề
Theo Tiến sĩ Nguyễn Hồng Tây - Hiệu trưởng Trường cao đẳng Kỹ nghệ Dung Quất - trong nhiều năm qua có rất nhiều bạn trẻ đã từ bỏ cánh cổng trường đại học để đăng ký học nghề tại trường.
Điều này cho thấy sự thay đổi trong nhận thức về việc học và định hướng nghề nghiệp của học sinh, sinh viên. Việc chọn học để làm "thợ" thay vì làm "thầy" đang dần phổ biến hơn. Bởi, các bạn trẻ đã nhận thức được đích đến cuối cùng của mình là một công việc ổn định ngay sau khi ra trường.
"Trường cam kết tìm việc làm cho 100% học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp. Và điều đó đã được nhà trường thực hiện tốt trong nhiều năm qua. Đối với một số ngành thì ngay từ năm học thứ 2 các em đã được thực tập nâng cao tay nghề tại doanh nghiệp và được chính doanh nghiệp đó trả lương với mức 200 - 250 ngàn đồng mỗi ngày" - Tiến sĩ Nguyễn Hồng Tây nói.
Được biết, giai đoạn 2018 - 2020, nhà trường được đặt hàng đào tạo và cung ứng gần 16.000 nhân lực cho các doanh nghiệp tại KKT Dung Quất và các KCN tỉnh Quảng Ngãi.
(Theo Báo Dân Trí)