Hoạt động NCKH luôn gắn liền với sự phát triển giáo dục đào tạo của mỗi nhà trường và là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu được Nhà nước qui định (theo Điều 83-Luật Dạy nghề năm...). Nhận thức được tầm quan trọng của hoạt động này, Trường CĐN KTCN Dung Quất định hướng giảng dạy và NCKH là hai nhiệm vụ then chốt của Nhà trường.
Muốn đào tạo được nguồn nhân lực có chất lượng cao đáp ứng được nhu cầu xã hội thì phải không ngừng nâng cao chất lượng dạy học và NCKH. NCKH vừa là phương tiện, vừa là mục đích và là động lực đào tạo chất lượng cao. Chính vì vậy mà Đảng, Nhà nước cũng như các Bộ, Ban, Ngành đã ban hành nhiều Chỉ thị, Nghị quyết, Quyết định, Thông tư hướng dẫn về hoạt động khoa học công nghệ và khẳng định giảng dạy và NCKH là hai nhiệm vụ quan trọng nhất trong công tác chuyên môn của giáo viên. Cùng với chủ trương của Đảng, Bộ LĐTBXH đã ban hành Thông tư số 09/2008/TT-BLĐTBXH ngày 27/06/2008 “V/v Hướng dẫn chế độ làm việc của giáo viên”. Nội dung của Thông tư này khẳng định giảng dạy và NCKH là hai nhiệm vụ quan trọng nhất trong công tác chuyên môn của giáo viên, hai nội dung này có liên hệ gắn bó mật thiết với nhau, là điều kiện tồn tại của nhau, trong đó NCKH được xem là yếu tố đảm bảo chất lượng của nhà trường nói chung và chất lượng đào tạo của đội ngũ giáo viên nói riêng. Đặc biệt, ngày 27/02/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 296/CT-TTg chỉ rõ “Nâng cao năng lực quản lý và hiệu quả công tác NCKH ở các trường đại học, cao đẳng góp phần tích cực nâng cao chất lượng đào tạo và phục vụ phát triển kinh tế xã hội”. NCKH là đòn bẩy, là động lực, là yếu tố đảm bảo chất lượng đào tạo giáo viên, nó không chỉ phục vụ cho công tác đào tạo của nhà trường mà còn phục vụ sự phát triển kinh tế xã hội.
Nhiều năm qua, bằng sự đầu tư và nỗ lực nhất định của cán bộ giáo viên, công tác NCKH ở Trường đã dần đi vào ổn định, nhiều đề tài NCKH có giá trị được thực hiện. Cụ thể, từ năm 2008 trở về trước mỗi năm nhà trường chủ trì thực hiện 01 đề tài cấp Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất; năm 2009 thực hiện 03 đề tài cấp trường, 08 đề tài cấp khoa; năm 2010 thực hiện 09 đề tài cấp trường, 01 đề tài cấp khoa; năm 2011 xét chọn 18 đề tài thực hiện (06 đề tài cấp trường, 12 đề tài cấp khoa). Nhìn chung, số lượng đề tài hàng năm có sự tăng trưởng rõ tệt. Hầu hết các đề tài đều đáp ứng tốt nhu cầu thực tiễn phục vụ đào tạo, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường.
Tuy nhiên qua quá trình hoạt động NCKH đã lộ rõ những tồn tại:
1. Số lượng giáo viên trẻ chiếm tỷ lệ khá lớn trong nhà trường. Đội ngũ này tuy rất có thế mạnh về khả năng tiếp cận nền khoa học công nghệ tiên tiến, nắm bắt thông tin nhanh, tuy nhiên lại chưa tích lũy nhiều kinh nghiệm trong thực tế nên vẫn còn hạn chế trong việc nghiên cứu;
2. Hoạt động NCKH được thực hiện trên cơ sở Nhà trường chủ động xây dựng các quy chế trong khi chưa có các quy định cụ thể của cơ quan chủ quản; bộ máy hỗ trợ quản lý hoạt động NCKH của nhà trường chưa có nhiều kinh nghiệm và chuyên môn hóa.
3. Hoạt động NCKH trong học sinh sinh viên (HSSV) chưa phát triển.
4. Cán bộ, giáo viên xem NCKH chưa thật sự là một phương tiện tạo nên chất lượng đào tạo.
5. Nguồn kinh phí cấp cho công tác NCKH còn hạn chế.
Nhằm đổi mới quản lý, nâng cao chất lượng đào tạo và hiệu quả công tác NCKH, đẩy mạnh hợp tác và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển của nhà trường, sự phát triển kinh tế xã hội trong giai đoạn tới nhà trường cần thực hiện các hoạt động thông qua một số nội dung sau:
1. Hoạt động nghiên cứu tiếp tục triển khai theo hướng gắn lý thuyết với thực tiễn, với mục tiêu đào tạo như hoàn thiện, bổ sung các chương trình đào tạo, chú trọng xây dựng giáo trình điện tử, bài giảng điện tử, xây dựng phim tư liệu, băng đĩa, tài liệu tham khảo phục vụ giảng dạy; đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập, áp dụng những tiến bộ khoa học công nghệ mới trong dạy và học;
2. Thực hiện các đề tài mang tính điều tra, khảo sát thực trạng. Chẳng hạn như điều tra, khảo sát thực trạng về chất lượng đào tạo của nhà trường trong từng giai đoạn; điều tra, khảo sát thực trạng về tình hình giảng dạy và học tập; điều tra, khảo sát về thực trạng nhu cầu nguồn nhân lực của xã hội trong giai đoạn để từ đó có những hoạch định cho hướng đi đúng.
3. Hợp tác nghiên cứu với các trường đại học, viện nghiên cứu, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cùng thực hiện các chương trình, dự án nghiên cứu; mời các nhà khoa học trong nước thuộc nhiều lĩnh vực để hình thành các nhóm nghiên cứu liên ngành nhằm đủ sức thực hiện các đề tài nghiên cứu các cấp cao hơn nhằm theo kịp xu thế phát triển và hội nhập;
4. Tiếp tục xây dựng, bổ sung, khuyến khích các cá nhân tham gia NCKH bằng nhiều hình thức; khuyến khích giáo viên trẻ, HSSV làm chủ nhiệm đề tài; khuyến khích việc công bố các công trình nghiên cứu, các bài nghiên cứu chuyên môn đăng trên tạp chí khoa học;
5. Các khoa chủ động phối hợp với phòng Công tác học sinh sinh viên, Đoàn Thanh niên và phòng Hợp tác và Nghiên cứu khoa học thúc đẩy công tác NCKH, thông qua các hội thảo khoa học, hội thi sáng tạo mô hình học cụ, đề tài nghiên cứu nhằm giúp các em nhận thức được tầm quan trọng của NCKH, từ đó tạo cho các em hình thành khả năng làm việc độc lập, tư duy sáng tạo trong công việc; tổ chức hội thảo khoa học chuyên đề cấp khoa nhằm tạo môi trường sinh hoạt chuyên môn sáng tạo.
6. Mỗi CBGV cần rèn luyện tư duy NCKH từ việc tìm tòi, sáng tạo để nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ; ứng dụng công nghệ thông tin làm phương tiện dạy học; không ngừng cập nhật thông tin khoa học công nghệ để cải tiến các chương trình, giáo trình, bài giảng; tìm cách truyền đạt tốt nhất thông qua việc đánh giá từ những nhận xét, góp ý từ đồng nghiệp, của học HSSV. Tự giác tham gia công tác NCKH, theo đúng quy định của Bộ và tuân theo quy chế quản lý hoạt động NCKH của nhà trường đã ban hành. Mỗi giáo viên phải coi công tác NCKH vừa là quyền lợi vừa là nhiệm vụ.
7. Bên cạnh nguồn kinh phí cấp hàng năm từ nguồn ngân sách nhà nước chi cho hoạt động khoa học, nhà trường tăng cường huy động các nguồn vốn từ các chương trình, dự án, cũng như phối hợp với các doanh nghiệp, đơn vị trên địa bàn tỉnh thực hiện các đề tài nghiên cứu.
Để hoạt động NCKH của nhà trường thật sự phát triển trong giai đoạn tới có tính khả thi, trước tiên cần có sự chỉ đạo sâu sát của Đảng ủy, Ban Giám hiệu, lãnh đạo các phòng khoa, các tổ chức đoàn thể và sự đồng lòng, đoàn kết, tâm huyết của đội ngũ CBGV nhà trường. Hy vọng đến năm 2015, Trường CĐN KTCN Dung Quất thực sự trở thành một trung tâm khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời kỳ hội nhập quốc tế, dẫu biết rằng NCKH vốn chưa bao giờ là một công việc đơn giản, nếu như không muốn nói là đầy phức tạp và luôn đòi hỏi nhiều công sức, trí tuệ. Nhưng, với những khởi đầu nhiều thành công trong thời gian qua chắc chắn sẽ là cơ sở vững chắc cho những bước đi mạnh hơn, tiến bộ hơn trong công tác NCKH trong thời gian tới của trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật Công nghệ Dung Quất.
Toàn Ninh - Phòng HT & NCKH