HỒ CHÍ MINH: GƯƠNG SÁNG RÈN LUYỆN THÂN THỂ
Sức khỏe là vàng - Có sức khỏe là có tất cả. “Mỗi một người dân yếu ớt, tức là cả nước yếu ớt, mỗi một người dân mạnh khỏe tức là cả nước mạnh khỏe”, đó là một triết lý vô cùng giản dị nhưng lấp lánh trí tuệ của Chủ tịch Hồ Chí Minh – vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam.
Lúc sinh thời, hơn ai hết, Bác Hồ là người hiểu rõ vai trò của việc tập luyện thể dục thể thao (TDTT) đối với sức khoẻ con người. Chính vì thế Bác lấy việc tập luyện như một lẽ sống giản dị: “Tập TDTT để giữ gìn tăng cường sức khoẻ, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân được nhiều hơn nữa”. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Bác vẫn duy trì một nề nếp tập luyện đều đặn thường xuyên.
Bác Hồ chơi bóng chuyền với các chiến sĩ bảo vệ
Trong những năm đầu của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, tình thế cách mạng hiểm nghèo; giặc đói, giặc dốt hoành hành; thù trong giặc ngoài đe dọa, dù bận trăm công nghìn việc, không mấy đêm Bác được ngon giấc ngủ, nhưng buổi sáng Bác vẫn không bỏ việc tập luyện sức khỏe. Khi giặc Pháp trở lại xâm lược nước ta một lần nữa, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp vô cùng ác liệt, Bác lại càng coi trọng việc tập luyện TDTT để phục vụ công cuộc chống ngoại xâm.
Ngày đó, Bác thường tập võ dân tộc, Bác còn hướng dẫn các cán bộ, chiến sĩ cách đánh cận chiến của võ tay không chống trả đối phương có kiếm, thương và súng. Tháng 12/1961, Bác sang thăm Trường Trung cấp TDTT Trung ương (nay là trường Đại học TDTT I), hơn 500 sinh viên Khóa 2 đang tập võ dân tộc. Bác ra sân tập xem, thấy các nữ sinh tay cầm kiếm chưa đúng, Bác đã ra tận nơi uốn nắn động tác sai, rồi Bác còn căn dặn thêm “Võ dân tộc của cha ông ta rất giàu tính chiến đấu”.
Bác Hồ tập võ cùng các chiến sĩ
Sau ngày về lại Thủ đô, dù bận trăm công nghìn việc nhưng ngày nào Bác cũng chăm chỉ tập thể dục. Bên nhà sàn trong Phủ Chủ tịch hiện nay, suốt 15 năm (1955-1969) nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ, bác sĩ… phục vụ Bác, đều nhớ mãi hình ảnh Bác tập thể dục, tập quyền hoặc bài Thái cực quyền. Đôi khi Bác ra câu cá, chăm cây bên hồ cá. Mỗi sáng, sau lúc tập thể dục xong Bác lại chăm chút mấy chậu phong lan rừng do bộ đội Trường Sơn biếu Bác. Mặc dù đã bước sang tuổi sáu mươi tuổi nhưng Bác vẫn rất khỏe, da dẻ hồng hào.
Năm 1967 Bác Hồ da diết nhớ miền Nam. Bác dự định vào tiền tuyến lớn thăm đồng bào, chiến sĩ. Bác đã dành thời gian cho đợt tập luyện dã ngoại này. Đồng chí Vũ Kỳ (thư ký riêng của Bác Hồ) kể: “Hồi đó mỗi ngày Bác tập hành quân từ 5 đến 10km, có hôm tăng lên tới 20km đường rừng, băng đèo, vượt sông. Bác cũng đeo ba lô nặng 25kg”. Bác chưa kịp về Nam, những người có dịp may luyện tập với Bác những ngày đó càng hiểu hàm ý câu thơ Tố Hữu viết: "Bác nhớ Miền Nam nỗi nhớ nhà, Miền Nam mong Bác nỗi mong cha".
Trong thư viết ngày 31/3/1960 gửi Hội nghị cán bộ TDTT toàn miền Bắc của Bác đã chỉ rõ: "Cán bộ TDTT thì phải học tập chính trị, nghiên cứu nghiệp vụ và hăng hái công tác”. Ngành TDTT và giới TDTT cả nước phấn đấu noi theo tấm gương đạo đức của Bác suốt cuộc đời.
Bài học rút ra:
Trong cuộc sống này, không có gì quan trọng bằng sức khỏe. Một thân thể khỏe mạnh, không bệnh tật thật sự là niềm mong ước, là hạnh phúc của tất cả mọi người. Bệnh tật không trừ một ai dù là người giàu hay người nghèo, người có địa vị cao hay thấp. Khi bị bệnh, sức khỏe của chúng ta sẽ giảm sút, công việc bị trì trệ, thậm chí còn lây bệnh cho người khác. Vì vậy, rèn luyện TDTT là bảo vệ sức khỏe của chính mình và cho cả cộng đồng.