Công ty cổ phần Công nghiệp rừng Tây Nguyên (trước đây là Công ty Công nghiệp rừng Tây Nguyên) có ngành nghề kinh doanh là: trồng rừng, khai thác, chế biến, mua bán, xuất nhập khẩu lâm - nông sản; xây dựng công trình công nghiệp và dân dụng, thuỷ lợi, giao thông (cầu, đường, cống); xuất nhập khẩu máy móc thiết bị nông lâm nghiệp.
Từ năm 1998 - 2006, Công ty Công nghiệp rừng Tây Nguyên được giao nhiệm vụ thu mua, vận chuyển gỗ tròn từ rừng tự nhiên (theo chỉ tiêu từng năm) ở 4 tỉnh Tây Nguyên để cung ứng, dự trữ đóng tàu thuyền đánh bắt cá xa bờ và phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, lũ lụt cho các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) và Duyên hải miền Trung theo giá chỉ định.
Hàng năm, sau khi được cấp chỉ tiêu, các ông, bà: Võ Hồng Huỳnh, Trần Quốc Trí (đều nguyên Giám đốc Công ty); Vũ Thị Lê Quỳnh, Phạm Trọng Thi và Phạm Thị Hồng Liên (đều nguyên là Phó Giám đốc), Đào Thị Mai (nguyên Phó phòng Kế hoạch), Trần Thị Hà (nguyên Thủ quỹ), Hồ Thị Thanh Hà (nguyên Kế toán trưởng); đã bán quyền mua gỗ chỉ tiêu 154.855 m3 cho các cá nhân, doanh nghiệp không phải là đối tượng được mua gỗ theo chương trình của Chính phủ để thu tiền chênh lệch cho Công ty trên 12,530 tỷ đồng. Do đó, các tỉnh ĐBSCL và Duyên hải miền Trung không được hưởng chương trình nhân đạo của Chính phủ.
Hành vi lập phiếu thu, phiếu chi khống để thu tiền chênh lệch trong việc bán quyền mua gỗ chỉ tiêu của các bị can trên đã phạm vào tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Cơ quan điều tra đã có cơ sở buộc ông Võ Hồng Huỳnh và bà Hồ Thị Thanh Hà phải chịu trách nhiệm về khoản tiền thu chênh lệch cho Công ty không đúng là trên 12,530 tỷ đồng. Các bị can còn lại phải chịu trách nhiệm về khoản tiền thu chênh lệch không đúng cho Công ty: Vũ Thị Lệ Quỳnh trên 9,794 tỷ đồng; Đào Thị Mai trên 5,576 tỷ đồng; Phạm Thị Hồng Liên trên 3,672 tỷ đồng; Trần Quốc Trí trên 2,658 tỷ đồng; Hồ Thị Thanh Hà trên 2,051 tỷ đồng; Phạm Trọng Thi trên 731 triệu đồng.
Đối với Tổng Công ty Lâm sản Việt Nam là cơ quan quản lý cấp trên của Công ty cổ phần Công nghiệp rừng Tây Nguyên mà trực tiếp là các ông Vũ Khang, Lê Bá, Phạm Trọng Minh, Hà Xuân Hạnh, Trần Văn Cường... là Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc, Phó Tổng giám đốc, qua các thời kỳ đã thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra, giám sát, tin tưởng vào các báo cáo, tờ trình của Công ty nên hàng năm đã ban hành các văn bản trình Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) tiếp tục giao chỉ tiêu thu mua, cung ứng, vận chuyển gỗ để thực hiện chương trình của Chính phủ, dẫn đến việc làm vi phạm pháp luật của Công ty diễn ra trong nhiều năm. Tuy nhiên, quá trình điều tra xác định, các cá nhân trên không có sự thông đồng tư lợi nên Cơ quan điều tra kiến nghị Bộ NN&PTNT kiểm điểm, xử lý trách nhiệm hành chính.
Kết thúc điều tra, cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã đề nghị truy tố 08 nguyên cựu cán bộ Công ty Công nghiệp rừng Tây Nguyên (nay là Công ty Cổ phần công nghiệp rừng Tây Nguyên), gồm: Võ Hồng Huỳnh, Phạm Trọng Thi, Vũ Thị Lệ Quỳnh, Đào Thị Mai, Trần Thị Hà, Trần Quốc Trí, Phạm Thị Hồng Liên, Hồ Thị Thanh Hà với tội danh “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Qua việc khởi tố, điều tra vụ án, cho thấy:
1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn “hở sườn”?
Đầu năm 2008, Bộ NN&PTNT tiến hành thanh tra việc thực hiện nhiệm vụ khai thác, thu mua, cung ứng gỗ tròn để đóng tàu, thuyền đánh bắt cá xa bờ và khắc phục hậu quả lũ lụt, cho thấy: Quá trình thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao, Cục Lâm nghiệp đã không làm tốt công tác tham mưu, do đó, Bộ NN&PTNT không có căn cứ để đánh giá khối lượng gỗ cần cung ứng cho việc khắc phục hậu quả lũ lụt, đóng tàu đánh bắt cá xa bờ. UBND 8 tỉnh khu vực miền Trung, Tây Nguyên, trong nhiều năm, không thanh tra, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện cũng như báo cáo kết quả thực hiện chủ trương của Chính phủ về Bộ NN&PTNT. Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam, các đơn vị thành viên không thực hiện đủ khối lượng thu mua, cung ứng gỗ tròn theo chỉ tiêu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và phân bổ.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao, Bộ NN&PTNT chỉ có hướng dẫn về vùng cung ứng, điều kiện nhận cung ứng mà chưa có hướng dẫn chi tiết về mục tiêu, đối tượng dự trữ, chủng loại gỗ cần dự trữ, thời gian dự trữ, đối tượng cung ứng, đối tượng được hưởng lợi (người sử dụng) và cơ chế tài chính cho việc thu mua, dự trữ và cung ứng gỗ tròn. “Đây là bất cập có thể tạo sơ hở dẫn đến tiêu cực trong quá trình thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao”, kết luận thanh tra nêu rõ.
2. Một số đơn vị phớt lờ phản ảnh của báo chí và kết luận thanh tra
Đây là vụ án tham nhũng nghiêm trọng, hành vi phạm tội của các bị cáo không những gây dư luận xấu về công tác quản lý khai thác rừng ở Tây Nguyên, mà còn khiến cho hàng trăm ngàn mét khối gỗ lẽ ra được sử dụng vào mục đích nhân đạo, phòng, chống thiên tai hoặc đóng tàu thuyền đánh bắt xa bờ đem lại lợi ích cho xã hội lại bị xâu xé vì lợi ích cá nhân.
Báo chí từng lên án đơn vị thành viên của Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor) có hành vi bán một số lượng lớn gỗ tròn nằm trong chỉ tiêu khai thác phục vụ phòng, chống thiên tai tại một số tỉnh duyên hải cho nhiều doanh nghiệp, mà không thông qua giới thiệu của UBND các tỉnh này. Tuy nhiên, vụ án khi điều tra, một số tài liệu cơ quan tố tụng đã thu thập chứng minh hành vi phạm tội của các bị can thiếu vững chắc. Có dấu hiệu bỏ lọt tội: Theo tài liệu thu thập được, sở dĩ từ năm 1998 - 2006, Chính phủ đồng ý cho phép Công ty cổ phần Công nghiệp rừng Tây Nguyên khai thác và bán 215.000 m3 gỗ theo Quyết định số 985/QĐ-TTg phục vụ vùng bị thiệt hại do bão lụt là theo đề nghị tại 29 Tờ trình của Công ty cổ phần Công nghiệp rừng Tây Nguyên và 22 văn bản của Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam, chủ yếu do ông Trần Đức Sinh, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt nam ký đề nghị Bộ NN&PTNT báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Tuy đồng ý chủ trương cho khai thác gỗ theo đề nghị, nhưng để bảo đảm thực hiện đúng, Chính phủ và Bộ NN&PTNT trong các văn bản gửi UBND các tỉnh Tây Nguyên và Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam chỉ đạo khai thác gỗ “đã giao Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam chỉ đạo tổ chức thực hiện, quá trình chỉ đạo thực hiện phải kiểm tra, giám sát việc sử dụng gỗ của các đơn vị để không bị lợi dụng sai mục đích”.
Như vậy, Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam vừa là đơn vị chủ động đề nghị Chính phủ cho phép khai thác bán gỗ theo chủ trương (Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Sinh ký gần 20 văn bản đề nghị), vừa là đơn vị được giao chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát bảo đảm theo đúng chủ trương của Chính phủ, nhưng đã thiếu trách nhiệm để xảy ra sai phạm, bán gỗ cho tư thương với số lượng lớn trong thời gian dài.
Hai tình tiết quan trọng này mặc dù có đủ tài liệu, chứng cứ chứng minh Trần Đức Sinh, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam đã có hành vi thiếu trách nhiệm để xảy ra hậu quả nghiêm trọng. Đồng thời, việc này Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương cũng đã có văn bản số 597/VPBCĐ-V.III ngày 7/12/2010 gửi Bộ Công an yêu cầu điều tra xử lý nhưng không được nêu trong Cáo trạng.
Kết quả điều tra không chứng minh được nội dung cơ bản theo đơn tố cáo: Một số cán bộ Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam câu kết với tư thương, lợi dụng chủ trương nhân đạo của Chính phủ để khai thác bán gỗ hưởng chênh lệch giữa giá chỉ định không qua đấu giá với giá thị trường nhiều tỷ đồng; việc khai thác vượt chỉ tiêu; quay vòng giấy phép để chiếm đoạt với số lượng lớn gỗ của Nhà nước, quá trình điều tra không chứng minh làm rõ được.
Chứng cứ chứng minh yếu tố vụ lợi thiếu vững chắc: Cáo trạng kết luận Công ty Công nghiệp rừng Tây nguyên hợp thức chứng từ thu tiền chênh lệch bán gỗ từ 40.000 đồng đến 120.000 đồng/m3 về cho Công ty 12,5 tỷ đồng là trái pháp luật. Tuy nhiên, Công ty Công nghiệp rừng Tây nguyên là Công ty nhà nước, số tiền 12,5 tỷ đồng dùng chi lương, các hoạt động kinh doanh và được hạch toán vào sổ sách kế toán của Công ty, không sử dụng vào mục đích cá nhân, do đó không thể coi là thiệt hại, vì vậy thiếu cơ sở vững chắc để xác định yếu tố vụ lợi.
Trong 4 nội dung đơn tố cáo, các cơ quan tiến hành tố tụng chỉ chứng minh được việc bán gỗ sai quy định mà không chứng minh được các nội dung bản chất như: chiếm đoạt tiền chênh lệch ngoài số tiền thu về cho Công ty; khai thác vượt chỉ tiêu; quay vòng giấy phép để chiếm đoạt số lượng lớn gỗ của nhà nước; yếu tố vụ lợi thiếu vững chắc. Từ những thiếu sót này đương nhiên sẽ loại kẻ chủ mưu, cầm đầu, tổ chức và hưởng lợi, thiếu trách nhiệm như Nguyễn Đức Sinh, Tổng Giám đốc và một số lãnh đạo Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam để xảy ra sai phạm mà không bị xem xét xử lý.
Việc đưa xử lý số các cán bộ (kế toán, thủ quỹ, nhân viên) bị lợi dụng, không được hưởng lợi vừa thiếu căn cứ vững chắc về tội danh truy tố (lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ) lại vừa thiếu thuyết phục.
Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN đã có văn bản đề nghị Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao điều tra hành vi móc ngoặc với tư thương của cán bộ Công ty Công nghiệp rừng Tây Nguyên; xem xét điều tra làm rõ thiệt hại do chênh lệch giữa giá chỉ định và giá thị trường và những cá nhân, tổ chức được hưởng lợi.
Tạ Văn Hồ
(Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương)
(Theo phongchongthamnhung.vn)