Có nhiều khi, việc thiếu niềm tin ở bản thân là do bạn thiếu kinh nghiệm. Bạn thường thấy mất tự tin ở những công việc mà mình chưa từng thử sức bao giờ.
Nhưng cảm giác đó sẽ dần mất đi khi bạn trưởng thành và tích lũy đủ vốn sống cho mình.
Cũng có khi, việc thiếu niềm tin ở bản thân là do bạn cảm thấy không chắc chắn. Khi bạn có những suy nghĩ tồi tệ về bản thân, bạn thường cố che giấu nó, và càng cố không cho người khác biết “bí mật” của mình thì bạn càng mất tự tin.
Nếu bạn đang trong tình cảnh thiếu niềm tin vào bản thân như thế, hãy xem qua những điều sau để cải thiện tình hình nhé:
Xác định nguyên do vì sao bạn thấy thiếu tự tin
Nếu bạn cảm thấy sợ hãi vì mọi người phát hiện ra khuyết điểm của mình, bạn sẽ rất khó thuyết phục bản thân tự tin lên. Khuyết điểm đó có thể đến từ ngoại hình, khả năng tiếp nhận kiến thức, cân nặng, quá khứ hay thậm chí là lý lịch gia đình.
Trong quá trình xây dựng niềm tin vào bản thân, bạn cần phải xác định rằng, mục tiêu hàng đầu của bạn là phải nắm rõ và cải thiện những ưu - khuyết điểm của mình. Bạn sẽ phải đối mặt với bước thử thách đầu tiên là thẳng thắn nhìn nhận ở bản thân mình: ở đâu và tại sao mình dễ cảm thấy bị đả kích, dễ bị tổn thương.
Đối mặt với sự sợ hãi
Đầu tiên, hãy đến một nơi yên tĩnh, thoải mái để nghĩ về lý do tại sao bạn thấy bản thân mình thật tệ. Có thể nó đến từ cân nặng, thói quen xấu, những bí mật, gia đình, hoặc cảm giác có lỗi vì một việc mình đã làm. Nó có thể khiến bạn thấy đau buồn khi nghĩ về những nguyên nhân sâu xa đó, nhưng như thế vẫn tốt hơn là giấu kín trong lòng và cố chịu đựng.
Một khi bạn đã tìm ra nguyên nhân vì sao mình thấy thất vọng về bản thân, bạn sẽ cần có dũng khí để thay đổi những điều đó. Bạn có nên thay đổi thói quen ăn uống không? Hay nên tập thể dục? Đọc sách? Mọi việc làm của bạn - kể cả việc nghĩ về vấn đề của mình - cũng là một bước để bạn cởi mở hơn và hàn gắn những thương tổn trong lòng.
Người ta chỉ sợ cái mà người ta không biết. Khi đã hiểu rõ vấn đề của mình, nỗi sợ hãi sẽ dần lui bước. Khi nỗi sợ hãi ra đi, sự rụt rè cũng vậy, và bạn sẽ có thêm sự tin tưởng vào bản thân mình.
Phát huy thế mạnh
Tìm ra điểm yếu và vấn đề của mình vẫn chưa đủ. Bạn phải hiểu rằng mình phải thay đổi bản thân. Hãy lập một danh sách những việc phải làm và những việc mà bạn có khả năng làm tốt. Hãy nghĩ lại xem, bạn có từng khám phá bản thân mình có ưu điểm nào chưa?
Mọi người sinh ra đều có những khả năng đặc biệt, dù họ có phát hiện ra nó hay không. Bạn có hay làm mọi người bật cười? Hay bạn có khả năng của một nghệ sĩ? Bạn có thể sắp xếp mọi thứ chu đáo? Bạn có khả năng ghi nhớ tên rất nhiều người?
Tất cả những thế mạnh đó sẽ phát huy tác dụng khi bạn trưởng thành. Chúng rất hữu ích trong các mối quan hệ, trong gia đình, trường học, trong cơ quan làm việc …và sẽ giúp bạn chiếm được cảm tình của nhiều người.
Một khi bạn đã thực hiện được 2 bước trên: xác định điểm yếu và xác định điểm mạnh, tự nhiên bạn sẽ có cảm giác tự tin dần lên.
Thay đổi thói quen
Những nghiên cứu khoa học về thói quen cho thấy, tâm trạng của chúng ta có thể thay đổi tuỳ thuộc vào thói quen của bản thân. Ví dụ như nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng chúng ta cảm thấy vui vẻ hơn khi đi bộ với một nụ cười nở trên môi.
Do đó, hãy tự cải thiện thói quen của mình như sau:
- Hãy cười nhiều. Điều đó có thể giúp bạn đẩy lùi những suy nghĩ tiêu cực.
- Khen ngợi người khác về thế mạnh của họ. Bạn sẽ nhận được từ họ những lời khen tương tự. Chúng ta ai cũng muốn nghe những lời khen tặng mà!
- Hãy tập thể dục và ngủ đủ giấc. Đây là 2 thói quen rất có lợi cho cả tâm trạng và vẻ ngoài của bạn.
- Dành thời gian để lên kế hoạch cho những ngày kế tiếp. Việc lên kế hoạch sẽ hạn chế những sai lầm, rủi ro có thể khiến bạn cảm thấy thất vọng về bản thân.
Sử dụng phương pháp tiếp cận “người thứ ba”
Có một nghiên cứu thú vị như sau. Những người tham gia nghiên cứu được chia làm 2 nhóm. Nhóm thứ nhất suy nghĩ về bản thân như một chủ thể duy nhất, ở ngôi thứ nhất. Nhóm thứ 2 suy nghĩ về bản thân ở ngôi thứ 3, như một người hoàn toàn khác. Điều đáng ngạc nhiên là, những người ở nhóm thứ 2 có tiến bộ nhanh chóng hơn hẳn trong quá trình cải thiện sự tự tin. Vì thế, khi bạn trong quá trình tìm kiếm và xây dựng một hình ảnh về bản thân, cũng như cải thiện sự tự tin của mình, hãy thử nghĩ mình như một người hoàn toàn tách biệt. Hãy thử phác hoạ bản thân dưới cái nhìn của một người lạ với những suy nghĩ khách quan và tích cực, bạn sẽ nhận thấy bản thân mình tiến bộ từng ngày đấy.
Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền. Hãy tìm lại nụ cười cũng như sự tự tin vào bản thân mình, bạn nhé!
(Theo Mực Tím)