In trang này

Trở thành trung tâm lọc dầu số 1: Tại sao không?


Việt Nam đang có nhiều lợi thế lớn để trở thành trung tâm lọc dầu số 1 ở Đông Nam Á.

Gần đây, Việt Nam đã tiếp nhận khá nhiều dự án lọc dầu lớn từ các nhà đầu tư nước ngoài. Liệu điều này có tạo cơ sở để Việt nam trở thành một trung tâm lọc dầu lớn của Đông Nam Á, cạnh tranh với Singapore?

Những dự án tỉ USD

Dầu khí là ngành mang lại nhiều lợi nhuận nhất cho Việt Nam vì đã đóng góp cho ngân sách khoảng 144.000 tỉ đồng (năm 2012), chiếm 19,5% tổng thu ngân sách.

Việt Nam hiện có một nhà máy lọc dầu là Dung Quất tại Quảng Ngãi do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) làm chủ đầu tư với công suất lọc dầu 6,5 triệu tấn dầu thô /năm, đáp ứng 1/3 nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước. Tập đoàn này đang muốn đầu tư thêm ít nhất 2 tỉ USD vào nhà máy Dung Quất để nâng công suất lên 10 triệu tấn/năm.

Nhưng bom tấn chỉ thực sự phát nổ khi Tập đoàn PTT (Thái Lan) tuyên bố sẽ triển khai dự án lọc dầu với giá trị ít nhất 27 tỉ USD tại Nhơn Hội, Bình Định. Nếu được thực hiện, đây sẽ là dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất từ trước đến nay tại Việt Nam. Hồi tháng 5, Thủ tướng đã đồng ý cho phép triển khai dự án này.

Dự án Nhơn Hội được thiết kế với công suất lọc dầu 30 triệu tấn dầu thô/năm (gấp gần 5 lần quy mô của nhà máy Dung Quất hiện giờ), sẽ đứng trong top 6 nhà máy lọc dầu lớn nhất thế giới và đứng hàng thứ năm tại châu Á - Thái Bình Dương. Khi hoàn thành, dự án này không chỉ đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước mà còn cho xuất khẩu sang các nước lân cận, đặc biệt là Trung Quốc và Nhật.

Sự góp mặt của PTT đã làm cho cuộc đua nóng lên, khiến các chủ đầu tư khác phải vội vã đẩy mạnh dự án để tranh phần. Dự án lọc dầu Nghi Sơn, Thanh Hóa, chẳng hạn, đã có tín hiệu mới sau một thời gian dài trì hoãn. Một trong những chủ đầu tư là Idemitsu Kosan (Nhật) cho biết đã nhận được thỏa thuận tài trợ từ các tổ chức tài chính, đưa quy mô đầu tư của dự án lên 9 tỉ USD. Dự án dự kiến được khởi công vào tháng 7.2013 với công suất ban đầu khoảng 10 triệu tấn dầu thô/năm, có thể mở rộng lên đến 20 triệu tấn/năm.

Hồi tháng 5, chủ đầu tư Technostar Management (Anh) cũng quyết định nâng vốn đầu tư dự án lọc dầu Vũng Rô thuộc tỉnh Phú Yên lên 3,18 tỉ USD, với công suất thiết kế 8 triệu tấn/năm. Theo dự kiến, dự án cũng sẽ được khởi công ngay trong năm nay.

Ước tính sơ bộ, tổng công suất của các dự án lọc dầu tại Việt Nam đã lên tới hơn 50 triệu tấn dầu thô/năm. Nếu chúng được triển khai đúng kế hoạch, Việt Nam sẽ đủ khả năng cạnh tranh với Singapore, trung tâm lọc hóa dầu lớn nhất Đông Nam Á hiện nay.

Nhà đầu tư chọn Việt Nam đều căn cứ trên các điều kiện hiện tại và triển vọng tương lai. Việt Nam đang có một số lợi thế lớn như lực lượng lao động dồi dào, chi phí nhân công thuộc dạng cạnh tranh trong khu vực và tình hình chính trị xã hội ổn định.

Vị trí địa lý là một lợi thế khác của Việt Nam vì nằm trên tuyến đường giao thông biển huyết mạch nối liền Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương, châu Âu - châu Á, Trung Đông - châu Á, thuận tiện cho việc vận chuyển năng lượng đến các nước trong vùng.

Việt Nam được dự đoán sẽ là một trong những nền kinh tế mới nổi hấp dẫn nhất khu vực. Theo một cuộc khảo sát năm 2012 do Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật (JBIC) thực hiện, Việt Nam đứng vị trí thứ năm trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ hứa hẹn trong trung và dài hạn cho các doanh nghiệp Nhật, về thị trường tiêu thụ và vị trí đặt đại bản doanh sản xuất.

Sau 2-3 năm nữa, cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ được thành lập. Khi đó, 10 nước Đông Nam Á sẽ là một thị trường chung với quy mô 600 triệu dân, kéo theo nhu cầu tiêu thụ năng lượng tăng lên. “Chúng tôi chuẩn bị cho cộng đồng kinh tế ASEAN được thành lập vào năm 2016. Nhu cầu năng lượng trong khu vực sẽ gia tăng trong các năm tới nhờ tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định”, Tổng Giám đốc Pailin Chuchottaworn của PTT giải thích vì sao đầu tư vào dự án Nhơn Hội.

Đó còn là cơ hội về thương mại sau khi Việt Nam gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) hay Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Theo hãng nghiên cứu thị trường có trụ sở đặt tại Anh Business Monitor International (BMI), trong 10 năm tới Việt nam sẽ tăng trưởng với tốc độ trung bình khoảng 6,7%/năm và nhu cầu tiêu thụ dầu vào năm 2022 sẽ tăng 1,5 lần so với hiện nay.

Với những lợi thế và nguồn lực sẵn có, Việt Nam hoàn toàn có thể vươn lên ngôi vị số 1 về lọc dầu ở Đông Nam Á. Hơn nữa, theo ông Đỗ Hòa, người từng có 6 năm giữ chức Giám đốc Chiến lược và Marketing của Tập đoàn Shell tại châu Á - Thái Bình Dương, hiện nay công nghệ lọc dầu của Singapore được xem là đã lạc hậu. “Nếu Việt Nam có công nghệ mới, tạo ra sản phẩm tốt thì sẽ có lợi thế cạnh tranh”, ông nói.

Nỗi lo ô nhiễm môi trường

Nếu được triển khai, các dự án lọc dầu sẽ tạo tác động rất lớn đến nền kinh tế Việt Nam. Một phần sản phẩm của các dự án này sẽ phục vụ thị trường nội địa và phần lớn sẽ xuất khẩu, tức đóng góp lớn vào tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội của Việt Nam.

Với việc cung cấp sản phẩm dầu khí trong nước gần như do PVN độc quyền, các dự án nói trên sẽ góp phần đa dạng hóa sản phẩm, giảm giá bán năng lượng.

Đối với các địa phương có dự án, hẳn sẽ rất vui mừng khi được lợi về nhiều mặt. Chẳng hạn, nếu dự án Vũng Rô đi vào hoạt động, nó có thể đóng góp cho ngân sách 111 triệu USD/năm và tạo ra 1.300 việc làm trực tiếp. Ngoài ra, còn kéo theo việc phát triển cơ sở hạ tầng, thương mại và là động lực để phát triển công nghiệp phụ trợ. “Giống như Singapore, trung tâm lọc dầu đã kích thích kinh tế, quá trình công nghiệp hóa, phát triển các ngành vận tải, hậu cần và nhất là hệ thống cảng biển”, ông Hòa nhận xét.

Tuy vậy, những dự án này cũng mang lại không ít thách thức. Đó là thách thức về quy hoạch, trong đó lợi ích cụm ngành có thể sẽ không được khai thác tối đa với việc phân chia dàn trải đầu tư tại các tỉnh như hiện nay. Với quy hoạch này, Việt Nam sẽ tốn rất nhiều tiền để xây dựng cơ sở hạ tầng, các ngành công nghiệp hỗ trợ cho đồng bộ với các dự án tại nhiều địa phương khác nhau, tức tính hiệu quả sẽ giảm xuống.

Một thách thức khác là nguy cơ ô nhiễm môi trường. Nếu công nghệ do đối tác nước ngoài đưa vào không phải là công nghệ hiện đại thì sẽ hạn chế khả năng cạnh tranh của Việt Nam, đồng thời ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe con người qua việc thải ra chất thải độc hại. Đặc biệt, các dự án quá lớn này thường chiếm nhiều đất như dự án Nhơn Hội chiếm đến 2.000 ha, có thể khiến cho công tác kiểm soát ô nhiễm gặp khó khăn.

Các vụ kiện tụng liên quan đến chế biến và lọc dầu không phải là hiếm. Năm 2012, tập đoàn dầu khí Anh BP đã phải chi 8 triệu USD tiền phạt và 400 triệu USD để nâng cấp hệ thống kiểm soát ô nhiễm tại nhà máy lọc dầu Midwest (Mỹ). Gần đây, hơn 2.000 người ở thành phố Côn Minh, Trung Quốc đã biểu tình phản đối việc xây dựng nhà máy lọc dầu do PetroChina làm chủ đầu tư vì lo sợ chất paraxylene sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của họ.

Các dự án lọc dầu của Việt Nam, một khi thành hiện thực, còn sẽ phải cạnh tranh tìm thị trường tiêu thụ và nguyên liệu đầu vào cho nhà máy. Theo nghiên cứu của BMI, dự trữ dầu mỏ của Việt Nam sẽ sụt giảm trong những năm tới nếu không khám phá ra các mỏ dầu mới.

Để phần nào chủ động nguồn cung, các chủ đầu tư cho biết sẽ nhập khẩu dầu từ Trung Đông, châu Phi và châu Mỹ Latinh. Tuy nhiên, đây không phải là nguồn tài nguyên vô tận. Theo báo cáo “Năng lượng năm 2050” của Ngân hàng HSBC, nguồn cung dầu mỏ thế giới có thể sẽ cạn kiệt vào năm 2060.

(Theo nhipcaudautu.vn)


Đánh giá nội dung này
(0 đánh giá)
Đọc 3375 lần

MỚI NHẤT TỪ Quản trị viên