In trang này

Quảng Ngãi muốn thiết lập Đặc khu kinh tế Dung Quất


Trong một văn bản báo cáo lên Tỉnh ủy Quảng Ngãi mới đây, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã bày tỏ mong muốn được thành lập mô hình Đặc khu kinh tế Dung Quất hoặc TP. Dung Quất.

Việc này, theo lý giải của UBND tỉnh Quảng Ngãi, là để có mô hình quản lý đủ mạnh, nhằm tập trung giải quyết hai nhiệm vụ quan trọng của Khu kinh tế Dung Quất hiện nay là quản lý kinh tế và quản lý xã hội.

Quảng Ngãi mong muốn được thành lập đặc khu kinh tế để tạo cú hích lớn
giúp Khu kinh tế Dung Quất tăng cường thu hút đầu tư

“Mô hình mới này cũng là để thử nghiệm các thể chế, chính sách mới, tạo môi trường đầu tư thông thoáng; gắn kết quản lý kinh tế với xã hội, môi trường, an sinh xã hội, phù hợp với thông lệ quốc tế, qua đó có thêm kinh nghiệm hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực sâu hơn”, UBND tỉnh Quảng Ngãi phân tích.

Khu kinh tế Dung Quất được thành lập từ 18 năm trước đây, với dự án động lực là Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Và kể từ đó đến nay, Dung Quất đã thu hút được một lượng lớn vốn đầu tư và trở thành một trong những khu kinh tế ven biển thành công ở Việt Nam.

Thông tin từ Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất cho biết, tính đến hết năm 2013, đã có 113 dự án đầu tư vào đây, với tổng vốn đăng ký khoảng 140.000 tỷ đồng (tương đương 7 tỷ USD), trong đó, có 19 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với 3,94 tỷ USD. Trong số này, khoảng 4,8 tỷ USD đã được đưa vào thực hiện.

Ngoài Lọc dầu Dung Quất, hiện tại, còn một số dự án FDI lớn ở Dung Quất, như DoosanVina, Khu công nghiệp VSIP Quảng Ngãi, Thép Guang Lian… Tuy nhiên, trong khi DoosanVina đang sản xuất - kinh doanh thành công, VSIP Quảng Ngãi khởi công xây dựng tháng 9 năm ngoái và đã thu hút được một số nhà đầu tư nước ngoài, thì Thép Guang Lian, vốn đầu tư 3 tỷ USD, vẫn đang trong quá trình chuyển đổi nhà đầu tư và xin nâng công suất và vốn đầu tư lên 4,5 tỷ USD.

Trước đây, E-United (Đài Loan) và Tycoons (Trung Quốc) cùng đầu tư dự án này, với tỷ lệ vốn góp tương ứng là 90% và 10%. Tuy nhiên, Tập đoàn JFE (Nhật Bản) đã thỏa thuận hợp tác đầu tư với E-United và nhiều khả năng, sau khi các thủ tục đầu tư hoàn tất, JFE sẽ nắm giữ tới 80% vốn trong dự án thép đã bị đình trệ nhiều năm nay này.

Ngoài Thép Guang Lian, theo ông Lê Văn Dũng, Phó trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất, Quảng Ngãi cũng đang đặt kỳ vọng vào sự thành công của Dự án VSIP Quảng Ngãi, cũng như Dự án Nhiệt điện Dung Quất, do Tập đoàn Semcorp (Singapore) đầu tư, quy mô 1.200 MW, với vốn đầu tư khoảng 2 tỷ USD.

Cùng với đó, theo thông tin của phóng viên Báo Đầu tư điện tử, Quảng Ngãi cũng đang nỗ lực “kéo” Tập đoàn Exxon Mobil (Mỹ) vào đầu tư Cụm Khí - Điện tại tỉnh này. Tập đoàn này hiện đang xúc tiến kế hoạch đầu tư một cụm khí - điện, với vốn đầu tư lên tới 20 tỷ USD, ở Việt Nam và cũng đã từng đến Quảng Ngãi để tìm kiếm cơ hội đầu tư, với các địa điểm nằm trong Khu kinh tế Dung Quất.

Chỉ cần dự án này được cấp chứng nhận đầu tư, tham vọng thu hút 13 tỷ USD vào năm 2015 và 16 tỷ USD vào năm 2020 của Khu kinh tế Dung Quất sẽ trở thành hiện thực.

Việc mô hình đặc khu kinh tế, nếu được áp dụng tại Quảng Ngãi, cũng sẽ là cú hích lớn để Dung Quất tăng cường thu hút đầu tư.

Tuy nhiên, hiện nay, ngoài chủ trương thành lập 3 đặc khu kinh tế Vân Đồn (Quảng Ninh), Phú Quốc (Kiên Giang), Vân Phong (Khánh Hòa), thì Chính phủ chưa đặt vấn đề xem xét thành lập các đặc khu kinh tế ở các khu vực khác. Và hiện tại, mô hình đặc khu kinh tế vẫn đang trong quá trình thảo luận để thiết lập thể chế, chính sách một cách thực sự đột phá, nhằm tạo động lực tăng trưởng cho khu vực và cả nước.

(Theo Báo đầu tư)


Sửa đổi vào Thứ hai, 21 Tháng 4 2014 09:55
Đánh giá nội dung này
(1 Vote)
Đọc 3233 lần

MỚI NHẤT TỪ Quản trị viên