In trang này

Mục tiêu phân luồng học sinh và những nghịch lý trong đào tạo


Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 5-12-2011 của Bộ Chính trị đặt ra mục tiêu cần triển khai đồng bộ các giải pháp phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở theo hướng tăng nhanh tỷ lệ học sinh vào học ở các trường trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề. Thế nhưng, hơn hai năm trôi qua, hai bộ có trách nhiệm chính trong việc tổ chức phân luồng vẫn chưa ngồi lại được với nhau. Hệ quả là số cử nhân thất nghiệp có xu hướng ngày càng tăng!

Mất cân đối giữa nhu cầu sử dụng, nhu cầu của nền kinh tế với việc đào tạo đặt ra thách thức lớn về giải quyết việc làm

Học cao vẫn thất nghiệp - do đâu?

Học trường nào, ngành gì để có việc làm luôn là câu hỏi thường trực với mỗi gia đình có con đến tuổi chọn nghề, chọn trường. Với tâm lý trọng bằng cấp còn ăn sâu, hầu hết các gia đình vẫn hướng con thi đại học, cao đẳng hơn là các trường trung cấp, cao đẳng nghề. Vậy nên có bức tranh tương phản giữa các trường đại học, cao đẳng và các trường nghề. Một bên không phải lo thiếu hụt đầu vào dù đầu ra thất nghiệp. Một bên khó khăn đầu vào dù đầu ra cơ hội việc làm dễ dàng hơn. Câu chuyện từ cách chọn trường của hai anh em Nguyễn Văn Hải, Nguyễn Ngọc Vinh tại Phúc Xá (Ba Đình, Hà Nội) là một thí dụ.

Do kinh tế gia đình không khá giả nên tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT), Hải đã chọn học nghề sửa chữa ô-tô. Sau khi tốt nghiệp cao đẳng nghề, Hải có việc làm tại một công ty chuyên sửa chữa ô-tô tại quận Thanh Xuân với mức lương 5 triệu đồng/tháng. Đến nay, Hải làm việc được tám năm, mức lương đã tăng lên 10 triệu đồng/tháng, chưa kể các khoản thưởng vào mỗi khi lễ, Tết. Công ty đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ cho Hải.

So với Hải, em trai Nguyễn Ngọc Vinh có sức học khá hơn nên đã chọn thi vào Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn. Dù tốt nghiệp được gần sáu năm, nhưng đến nay công việc của Vinh vẫn chưa ổn định. Không xin được việc làm đúng ngành nghề, Vinh đã từng đi làm phục vụ tại quán cà- phê, bán hàng, giao nhận hàng hóa với mức lương khoảng ba triệu đồng/tháng. Vinh đang dự tính sẽ đi học tiếp một nghề nào đó để có việc làm ổn định và lập gia đình.

Mặc dù Vinh không được xem là thất nghiệp, nhưng công việc bấp bênh, thu nhập thấp nên không đáp ứng được kỳ vọng của gia đình khi quyết định chọn cho cậu học đại học thay vì học nghề như anh trai. Dù sao, Vinh cũng còn được xem là khá may mắn, bởi không phải là một trong số 162.000 người có trình độ đại học trở lên bị thất nghiệp trong quý 1-2014 theo báo cáo từ Bản tin thị trường lao động được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) công bố gần đây. So sánh với quý IV-2013, số lao động thất nghiệp có bằng đại học trở lên đã tăng từ 158.000 người lên 162.000 người. Số lao động thất nghiệp có trình độ cao đẳng cũng lên tới 79.100 người.

Lý giải chuyện vì sao những người học cao lại thất nghiệp nhiều như vậy, ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, đào tạo chưa gắn với thị trường lao động. "Mình cứ nói hiện đại hóa, công nghiệp hóa đất nước nhưng hiện nay số lượng đầu vào các trường đại học nhiều hơn trường nghề. Quá nhiều sinh viên theo học khoa học xã hội- nhân văn, thiếu hụt nguồn lực về khoa học-công nghệ và nhân lực có nghề thì công nghiệp hóa, hiện đại hóa sao được?" - ông Diệp đặt câu hỏi. Sự chênh lệch giữa nhu cầu sử dụng, nhu cầu của nền kinh tế với việc đào tạo đang đặt ra những thách thức lớn về giải quyết việc làm cho người lao động.

Theo ông Diệp, hiện nay chưa có cuộc khảo sát nào chi tiết về số liệu thừa lao động ở địa phương. Tuy nhiên, theo cuộc rà soát sơ bộ của Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An, hiện có 12.000 cử nhân chưa có việc làm. Một tỉnh nhỏ như Trà Vinh cũng thừa khoảng 5.000 cử nhân thất nghiệp...

Học nghề - "lựa chọn cuối cùng"?

Mỗi năm nước ta có khoảng hơn 1,2 triệu học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở (THCS), nhưng chỉ khoảng 5%- 10% vào học các cơ sở dạy nghề (CSDN) hoặc ra thị trường làm lao động giản đơn. Hằng năm có hơn 80% số học sinh tốt nghiệp THPT thi đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, chỉ có khoảng 10% số học sinh đi học nghề. Mặc dù trên thực tế, số đỗ vào các trường đại học, cao đẳng chỉ khoảng 60%, nhưng số học sinh không đỗ cũng không vào các trường nghề. Qua nhiều khảo sát cho thấy, vào học nghề chỉ là "lựa chọn cuối cùng" của học sinh trung học sau khi không có cơ hội vào các bậc học khác.

Ông Doãn Mậu Diệp kể, trong lần ông làm việc với tỉnh Bến Tre, được biết ở đây với khoảng 10.000 học sinh tốt nghiệp lớp 12 hằng năm thì có 7.000 em vào học đại học, 1.000 em học hệ vừa học vừa làm ở những trung tâm giáo dục thường xuyên, số học nghề cả trung cấp, cao đẳng trên địa bàn tỉnh khoảng 800 người. Ở tỉnh Hà Tĩnh hằng năm cũng có khoảng 10.000 - 11.000 học sinh tốt nghiệp lớp 12, có 7.000 em vào đại học, các trường dạy nghề trên địa bàn tỉnh chỉ thu hút được khoảng hơn 700 em. "Một cơ cấu nhân lực rất bất hợp lý như thế thì khó hy vọng là học xong sẽ có việc làm, thừa là chuyện đương nhiên", ông Diệp bức xúc.

Hiện tại, hệ thống đào tạo do hai Bộ quản lý: Bộ LĐ-TB & XH quản lý các trường cao đẳng, trung cấp, trung tâm dạy nghề và thị trường lao động, còn Bộ GD&ĐT quản lý đào tạo đại học, cao đẳng, trung cấp. Theo kinh nghiệm phân luồng học sinh của nhiều nước, ngay sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở, chỉ khoảng 30% số học sinh có nhu cầu thi đại học mới học tiếp lên bậc trung học phổ thông, còn lại 70% sẽ chọn các trường nghề. Nhưng hệ thống giáo dục ở nước ta không vận hành như vậy. Hầu hết học sinh chọn học tiếp trung học phổ thông và thi đại học, cao đẳng. Hằng năm, mỗi khi học sinh tốt nghiệp THPT, hai hệ thống đào tạo do hai bộ quản lý lại "chạy đua" với nhau nhằm làm sao có được học sinh để giảng dạy. Việc học sinh tốt nghiệp ra có việc làm hay không, cơ cấu nhân lực quốc gia ra sao thì hầu như không được quan tâm đúng mức.

Như vậy, trên lý thuyết thì hai bộ phải có trách nhiệm phối hợp với nhau để xây dựng chính sách phát triển nguồn nhân lực quốc gia, song đến nay vẫn chưa thấy các động thái cụ thể thể hiện sự phối hợp này. Vì thế, các trường đào tạo vẫn mạnh trường nào trường đó tuyển sinh để lại các hậu quả lãng phí lâu dài cho gia đình học sinh và toàn xã hội. Câu chuyện cụ thể từ gia đình Hải và Vinh nêu trên đã cho thấy điều đó. Đến bao giờ tình trạng này được xóa bỏ?.

Ông Mạc Văn Tiến, Viện trưởng Viện Khoa học dạy nghề (Tổng cục Dạy nghề):

Cơ cấu nhân lực chưa hợp lý

Việc đào tạo không xuất phát từ nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động đã tạo ra hệ lụy -cơ cấu nhân lực có xu hướng ngày càng bất hợp lý hơn về tỷ lệ giữa đại học/trung cấp/công nhân kỹ thuật (dạy nghề). Nếu như năm 1979, cơ cấu nhân lực giữa đại học/trung cấp/công nhân kỹ thuật là 1/2,25/7,1 thì đến năm 1989 là 1/1,68/2,3 và đến năm 2012 chỉ còn là 1/0,43/0,56. Trong khi tỷ lệ này ở các nước công nghiệp là 1/4/10, thậm chí ở giai đoạn công nghiệp cơ khí hóa, tỷ lệ này là: 1/4/60. Ngay cả ở giai đoạn tự động hóa, trong cơ cấu nhân lực vẫn có một tỷ lệ đáng kể kỹ thuật viên và công nhân lành nghề với tỷ lệ là 1/6,25/17,5.

Ông Nguyễn Anh Kết, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thanh Hà (Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội):

Lãng phí đầu tư

Do đặc thù của doanh nghiệp, tại nhiều vị trí chúng tôi đăng tuyển chỉ cần lao động học trung cấp nhưng đã có nhiều lao động tốt nghiệp đại học nộp hồ sơ vào. Thí dụ như công ty chỉ cần tuyển dụng nhân viên kế toán nhưng có cả lao động tốt nghiệp thạc sĩ quản trị tài chính nộp hồ sơ. Đương nhiên là có nhu cầu sử dụng lao động ở trình độ nào thì chúng tôi sẽ trả lương khởi điểm tương đương với trình độ đó, sau này trong quá trình làm việc thì sẽ tăng lương phụ thuộc vào hiệu quả công việc. Tuy nhiên, nhìn vào câu chuyện đó tôi thấy thật sự lãng phí trong đầu tư giáo dục.

Ông Hoàng Ngọc Vinh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo):

Còn chia sẻ nguồn lực nói gì đến hội nhập?

Để hội nhập quốc tế thì phải chuẩn hóa chất lượng đào tạo dạy nghề và phải có sự thống nhất về chất lượng nhưng hiện nay hai cơ quan quản lý khác nhau nên rất khó. Để giải quyết vấn đề cần phải tái cơ cấu lại, tập trung nguồn lực để phát huy hiệu quả của quản lý nhà nước. Trước hết, tài chính phải tập trung không thể cứ rải ra, thí dụ trên địa bàn cấp huyện có hai trung tâm: giáo dục thường xuyên và dạy nghề với hai nguồn kinh phí cho hai Sở thì làm sao mà hiệu quả được? Muốn hội nhập quốc tế, phải hội nhập trong nước đã!.

(Theo Nhân dân cuối tuần)


Đánh giá nội dung này
(0 đánh giá)
Đọc 3147 lần

MỚI NHẤT TỪ Quản trị viên