In trang này

Học nghề thì 'cạp đất mà ăn à'?!


"Người ta ăn học đại học vậy còn không có cơm mà ăn. Chứ dạng học nghề như mày chỉ có nước cạp đất mà ăn?”

Hạnh phúc là phải học đại học?

Mới đi làm về mệt mỏi, nghe vợ báo con rớt nguyện vọng 1 lớp 10 vào trường công lập; anh Tuấn mặt mày tá hỏa nhưng cố bấm bụng không la mắng vì sợ con buồn lại nghĩ quẩn. Thế mà, bé Phương mặt mày tỉnh queo đề xuất: “Con thích làm hướng dẫn viên du lịch, tiếng Anh giao tiếp tốt; nếu có học xong cấp 3 thì con vẫn thích học nghề này. Mà chưa chắc con đã đậu đại học, thế nên ba mẹ cho con học trung cấp nghề từ đầu cho tiết kiệm. 3 năm sau con vừa có nghề vừa hoàn chỉnh xong chương trình cấp 3”.

Anh Tuấn quá bực quát lớn: “Từ nhỏ giờ cho ăn học chỉ mong con ăn học thành tài. Mày có thấy bao nhiêu đứa học đại học xong còn thất nghiệp không? Người ta ăn học vậy còn không có cơm mà ăn. Chứ dạng học nghề như mày chỉ có nước cạp đất mà ăn?”.

Nhiều phụ huynh ép con vào đại học mà không hề biết năng lực và ước mơ của con cái (ảnh minh họa)

Mặc dù phân hóa học sinh từ sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở tùy theo khí chất, khả năng để tiếp tục học văn hóa hay chuyển sang học nghề đã trở thành xu thế toàn cầu; nhưng ngày nay phụ huynh có nhiều định kiến như anh Tuấn không phải hiếm. Cha mẹ nào cũng muốn con cái có công việc tốt, cuộc sống hạnh phúc. Thế nhưng, chẳng biết từ đâu công thức để được hạnh phúc ấy đều có mẫu số chung: tốt nghiệp trung học phổ thông, học đại học. Vì thế, các bậc phụ huynh ra sức ép con học đại học bằng mọi giá.

Con số hơn 160 ngàn thạc sỹ, cử nhân thất nghiệp khiến xã hội lo ngại. Và hàng trăm ngàn cử nhân phải làm trái ngành, trái nghề, phải làm những công việc không khác gì người “thợ” với số lương 3-4 triệu đồng/tháng tại ngay thành phố nổi tiếng là nhiều cơ hội và đắt đỏ như TP.HCM quả thực là một điều nhức nhối.

Con số hơn 160 ngàn thạc sỹ, cử nhân thất nghiệp khiến xã hội lo ngại (ảnh minh họa)

Không đau xót sao được khi kết thúc 4-5 năm ngồi trên giảng đường là nỗi lo ngay ngáy kiếm việc làm. Kinh tế khó khăn, các trường đại học mở ra như nấm như để đáp ứng nhu cầu làm “thầy” của quá nhiều người mà bất chấp mọi hậu quả.

Dũng cảm lựa chọn

Nam (18 tuổi, Gò Vấp) chia sẻ: “Với lực học làng nhàng, tôi nghĩ mình có học hết cấp 3 cũng khó thi đậu được vào đại học; mà nếu có may mắn đậu được thì liệu có xin được việc làm, có thành công khi mơ ước là trở thành một bếp trưởng. Trong khi đó, hoàn cảnh gia đình cũng chẳng khá giả gì cho cam. Thế nên, mặc cho gia đình ngăn cản, tôi vẫn chọn học trung cấp nghề chuyên nghiệp ngành bếp. Sáng học nghề, chiều học hoàn chỉnh văn hóa, tối làm phụ bếp. Sau khi tốt nghiệp tôi vừa có bằng cấp, vừa có kiến thức thực tế nên thu nhập cũng khá.

Trong khi đó, anh họ tôi cũng với lịch học làng nhàng cố lếch vào một trường đại học dân lập. Học xong, chật vật mãi cũng không kiếm được việc làm nên chọn một khóa học ngắn hạn về khách sạn nhà hàng để xin tạm việc làm. Như vậy vừa lãng phí thời gian, công sức, tiền bạc”.

Đồng quan điểm trên, rất nhiều người cho rằng không nhất thiết phải học đại học bằng mọi giá. Nhiều bậc cha mẹ chấp nhận làm việc vất vả, tổn hại sức khỏe chỉ vì nuôi-con-học-đại-học. Thế nhưng, nhiều học sinh với lực học không nổi trội, chịu bao áp lực để “với” vào một trường đại học nhưng đến khi ra trường lại là một người “thợ” đích thực.

Chia sẻ về vấn đề này, thạc sỹ Trần Phương, chuyên gia tư vấn hướng nghiệp các trường Cao đẳng, đại học cho rằng: “Mong muốn đích thực của phụ huynh là con cái ra trường có việc làm. Phụ huynh cần nhận ra giá trị thật của xã hội, nhận ra đâu là điều tốt đẹp cho con em, để mà lựa chọn. Xu hướng hiện nay là phân hóa học sinh từ khi tốt nghiệp trung học cơ sở; tùy theo khả năng, kiến thức, hoàn cảnh mà lựa chọn tiếp tục học trung học phổ thông hoặc trung cấp nghề”. 

(Theo Báo đất việt.vn)


Đánh giá nội dung này
(0 đánh giá)
Đọc 2937 lần

MỚI NHẤT TỪ Quản trị viên