In trang này

Góc nhìn: Thừa thầy, thiếu thợ


Không ít người giật mình trước thông tin được Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội và Tổng cục Thống kê công bố mới đây, có tới 72.000 sinh viên tốt nghiệp đại học hiện thất nghiệp.

Có lẽ vì thế, diễn đàn “Lãng phí chất xám thạc sĩ, tiến sĩ” do Báo Tin Tức thực hiện vừa qua đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận, nhất là những người làm công tác giáo dục. Nhiều chuyên gia cho rằng, số cử nhân thất nghiệp thực tế còn cao hơn nhiều, bởi có rất nhiều cử nhân, thạc sĩ làm trái ngành nghề, thậm chí có người “giấu bằng” để làm công nhân mới hy vọng có việc làm. Đây cũng là một trong những vấn đề nóng của ngành giáo dục đào tạo hiện nay.

Nêu thực trạng sinh viên tốt nghiệp đại học (thậm chí cả thạc sĩ, tiến sĩ) không có việc làm, hoặc làm việc không phù hợp với nghề được đào tạo, rất nhiều ý kiến thẳng thắn rằng, trách nhiệm đó là thuộc về cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục đào tạo. Thực tế, trong một thời gian dài, mô hình phát triển giáo dục, trong đó có giáo dục đại học chỉ chú trọng về số lượng, mà chưa chú ý đến các yếu tố bảo đảm chất lượng.

Nội dung chương trình, phương pháp đào tạo, thi cử..., chủ yếu xuất phát từ khả năng hiện có của các trường, chưa chú ý tới việc đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội. Bên cạnh đó, quy trình mở trường, cấp phép hoạt động cho các trường đại học, cao đẳng còn thiếu chặt chẽ, không theo kịp phát triển của thực tiễn…, dẫn đến quy mô tuyển sinh tỷ lệ nghịch với đầu ra cho sinh viên tốt nghiệp hàng năm. Khi thị trường lao động càng phát triển, thì độ chênh và sự không khớp giữa cung và cầu đã gây sự lãng phí lớn trong đào tạo nguồn nhân lực.

Một trong những vấn đề đáng lo ngại hiện nay là công tác đào tạo chưa ăn khớp với thị trường lao động. Nói khác đi, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực vẫn chưa theo kịp với cơ chế thị trường.

Những cảnh báo về dư thừa nguồn nhân lực đã được cảnh báo từ nhiều năm trước. Năm 2004, tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XI (năm 2004), đã có những ý kiến cảnh báo về sự dư thừa nguồn nhân lực. Ở thời điểm đó, mỗi năm cả nước chỉ cần từ 13.000 - 15.000 cử nhân, nhưng có tới 200.000 sinh viên tốt nghiệp ra trường, tức là gấp 10 lần so với nhu cầu thực tế. Đáng tiếc, những cảnh báo như vậy đã không được quan tâm. Chưa hết, kể từ sau kỳ họp kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XI cho đến nay, quy mô giáo dục đại học phát triển ồ ạt, với tốc độ cứ nửa tháng ra đời một trường, trong đó hầu hết các trường mới thành lập đều không bảo đảm các điều kiện phục vụ đào tạo.

Thế nên, chuyện cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp là hoàn toàn có thể hiểu được, bởi số lượng đào tạo quá lớn, vượt xa nhu cầu thị trường lao động hiện nay. Đáng nói hơn là số lượng thạc sĩ thất nghiệp chưa phải dừng ở con số vừa được nêu. Bởi cử nhân ra trường có thể chấp nhận đi làm việc chân tay, nhưng thạc sĩ có mấy ai chấp nhận điều này? Ngoài ra, nhiều cử nhân ra trường, do không xin được việc làm đã chọn học tiếp cao học... để chờ vận may. Do vậy, số lượng thạc sĩ vốn đã dư thừa, lại càng dư thừa hơn. Ở khía cạnh khác, vấn đề "thừa thầy, thiếu thợ" được đặt ra khá bức xúc từ rất lâu nhưng chưa có giải pháp thỏa đáng. Mỗi năm số sinh viên ra trường thì nhiều, trong khi công nhân có tay nghề luôn thiếu thì không đào tạo – một sự mất cân đối trong đào tạo nguồn nhân lực cần sớm được khắc phục, chấn chỉnh.

Có quan điểm, với cơ chế thị trường, người học không nhất thiết phải bằng mọi giá để có được tấm bằng cử nhân, thạc sĩ trong khi khả năng xin được việc làm phù hợp hết sức mù mờ. Thay vào đó, hãy lựa chọn một nghề phù hợp để học và theo đuổi nó. Vấn đề đặt ra ở đây, chính là vai trò điều tiết, tính toán bài bản, khoa học, hợp lý trong chiến lược đào tạo nhân lực; chấm dứt tình trạng đào tạo tràn lan như hiện nay.

(Theo Báo tin tức.vn)


Sửa đổi vào Thứ sáu, 19 Tháng 9 2014 08:26
Đánh giá nội dung này
(0 đánh giá)
Đọc 3182 lần

MỚI NHẤT TỪ Quản trị viên