In trang này

Đại học không phải là duy nhất


Đứng trước bước ngoặt quan trọng của cuộc đời, nhiều học sinh trung học đã quyết định không bước chân vào giảng đường đại học mà rẽ hướng khác. Quyết tâm học nghề, theo đuổi đam mê, không phải ôm trong mình nỗi lo thất nghiệp khi ra trường.

Anh Lê Hữu Huynh nhận bằng khen của UBND tỉnh với thành tích đoạt giải 
trong cuộc thi giải Toán trên máy tính cầm tay cấp quốc gia năm 2015

Nhiều người trong số họ đã, đang có công việc làm ổn định, có thu nhập để nuôi sống bản thân, gia đình.

“Một nghề cho chín”

Tốt nghiệp THCS ở huyện Vĩnh Cửu, Lê Hữu Huynh không thi vào lớp 10 THPT mà nộp hồ sơ trực tiếp vào Trường cao đẳng nghề cơ giới và thủy lợi (huyện Trảng Bom). Tại đây, Huynh học song song cả chương trình văn hóa và học nghề điện công nghiệp. Với tấm bằng nghề loại giỏi, Hữu Huynh đã được nhận vào làm việc tại một công ty ở Bình Dương, với mức lương hơn 6 triệu đồng/tháng. Hữu Huynh đã có thể tự nuôi sống bản thân và phụ giúp phần nào cho gia đình còn khó khăn.

Anh Nguyễn Viết Thắng cho biết: “Đại học chỉ là một trong những con đường đi đến thành công, Nhưng con đường này rất đông đúc. Con đường đông đúc thì giao thông sẽ rất khó khăn, ai muốn về đích thì phải chen lấn, xô đẩy mới vượt qua được những người khác. Dĩ nhiên, những con đường khác cũng không phải dễ đi. Nhưng tôi nghĩ nếu mình chịu khai phá thì con đường mình đi sẽ rộng rãi và nhanh hơn”.

Chia sẻ về quyết định đi học nghề khi vừa tốt nghiệp THCS, Hữu Huynh cho biết: “Thời điểm đó, hoàn cảnh gia đình tôi còn khó khăn. Hơn nữa, khi theo dõi trên báo, đài, tôi được biết số lượng cử nhân tốt nghiệp đại học không có việc làm lên tới hàng ngàn người. Nếu đi học THPT rồi học lên đại học, gia đình tôi sẽ phải đóng những khoản tiền không nhỏ. Trong khi vừa học văn hóa, vừa học nghề, vừa đi làm thêm, tôi có thể giúp đỡ phần nào cho gia đình. Từ đó, em quyết định học nghề điện công nghiệp”.
Trong quá trình học nghề, anh luôn là học viên có thành tích học tập xuất sắc. Hữu Huynh còn tham gia nhiều cuộc thi, hội thi do Bộ, Sở GD-ĐT và nhà trường tổ chức. Thành tích giải ba trong cuộc thi giải Toán trên máy tính cầm tay cấp quốc gia năm 2015 đã cho thấy những nỗ lực vượt trội của anh.

Ấp ủ mở công ty riêng

Đôi bạn Lưu Viết Thắng và Võ Thành Tâm (cựu học sinh Trường THPT Long Thành) sau khi hoàn thành chương trình THPT đã “rủ nhau” theo đuổi niềm đam mê với công nghệ tin học mà không vào đại học. Cả hai đều được đánh giá là những học sinh có năng khiếu về công nghệ thông tin khi tham gia và đoạt nhiều giải cao về lĩnh vực này khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Viết Thắng chia sẻ: “Đầu năm học lớp 12, tôi có đọc cuốn sách Dạy con làm giàu của tác giả Robert T. Kiyosaki và Sharon L.Lechter. Trong cuốn sách này, tôi học được từ người viết những bài học về tư duy tài chính và sự khác biệt giữa con đường học tập đi đến thành công với con đường đi đến thành công do mình khai phá. Cuốn sách đó còn kể về quá trình từ thất bại đến thành công của người viết, cho thấy việc học hành ở trường không phải là yếu tố chính. Những bài học khác biệt về người cha giàu (không học đại học) và người cha nghèo (giảng viên đại học) cho tôi nhận ra được nhiều điều về tư duy thành công không cần qua giảng đường đại học. Sau khi nghiền ngẫm cuốn sách này, tôi quyết định không thi vào đại học nữa mà sẽ tự học để theo đuổi niềm đam mê tin học”.

Vậy là, gần một năm qua Viết Thắng ở nhà, lên mạng tự tìm tòi những kiến thức về kinh doanh, về công nghệ thông tin và những vấn đề liên quan đến niềm đam mê của mình. “Lúc đầu, mẹ tôi phản đối và khuyên tôi nên đi học đại học. Để thuyết phục mẹ, tôi đã lấy những minh chứng cụ thể và làm nhiều việc để chứng minh với mẹ rằng sự lựa chọn của mình là đúng đắn. Đến nay, cả gia đình đều ủng hộ tôi” - Viết Thắng bộc bạch.

Còn với Võ Thành Tâm, ngay từ khi còn là học sinh THCS, với năng khiếu về hội họa và niềm đam mê tin học, Thành Tâm đã tự mày mò để học hỏi và thành thạo nhiều nội dung trong lĩnh vực này. Những giải thưởng từ các phong trào, hội thi trong lĩnh vực tin học từ cấp trường, cấp huyện, cấp tỉnh đã minh chứng cho sự cố gắng, nỗ lực của Thành Tâm. Kết thúc chương trình học phổ thông, Thành Tâm không vào đại học mà ở nhà tự làm nghề để có thu nhập và phụ giúp gia đình.

Để ước mơ mở được một cửa hàng bán linh kiện máy vi tính của mình thành hiện thực, đã không ngần ngại làm nhiều công việc khác nhau để tích lũy vốn. Suốt tuần, Thành Tâm hầu như không có thời gian rảnh bởi vừa chụp hình sự kiện, đám cưới, vừa thiết kế đồ họa, đánh trống trong các ban nhạc, sửa máy vi tính, bán hàng trực tuyến. Thành Tâm cho rằng, con đường đi đến thành công không nhất thiết phải vào đại học. Nếu biết nắm bắt cơ hội và không ngừng nỗ lực theo đuổi niềm đam mê, thành công sẽ đến.

(Theo Báo baodongnai.com.vn)


Sửa đổi vào Thứ ba, 08 Tháng 3 2016 09:57
Đánh giá nội dung này
(1 Vote)
Đọc 11100 lần

MỚI NHẤT TỪ Quản trị viên