In trang này

Bước chuyển trong lĩnh vực đào tạo nghề


Những năm gần đây, Trường Cao đẳng Kỹ nghệ Dung Quất đã thực hiện đào tạo nghề hệ cao đẳng, trung cấp và dạy nghề phổ thông theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp (DN) với hơn 25.500 học viên, sinh viên. Mới đây, trường đã nhận đơn đặt hàng đào tạo và cung ứng gần 16.000 lao động phục vụ SXKD từ nay đến năm 2020 cho các DN ở KKT Dung Quất và các KCN của tỉnh.

Cùng với phát triển nguồn nhân lực trong hệ thống chính trị, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ sản xuất kinh doanh (SXKD) theo Kết luận 17 của Tỉnh ủy (khóa XIX) là nhiệm vụ rất quan trọng. Quảng Ngãi hiện có 30 cơ sở dạy nghề, mỗi năm đào tạo 25.000 lao động có tay nghề, đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của các cơ sở SXKD trên địa bàn tỉnh.

Trường Cao đẳng Kỹ nghệ Dung Quất đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp.

Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ nghệ Dung Quất Lê Thành Nam cho biết, bên cạnh đội ngũ giáo viên, trang thiết bị, cơ sở vật chất, thì vấn đề chất lượng luôn được nhà trường xác định là yếu tố hàng đầu. Vì vậy, sau đào tạo, đa số học sinh ra trường được đánh giá cao về chất lượng tay nghề cũng như thái độ làm việc.

"Trên tinh thần Kết luận 17 của Tỉnh ủy, ngành LĐ-TB&XH tập trung tuyên truyền công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm; kết nối thông tin giữa cơ quan quản lý nhà nước với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các DN. Nghĩa là, khi DN đến đầu tư chúng tôi sẽ kết nối, thông tin đầy đủ với các cơ sở dạy nghề để họ chủ động liên kết đào tạo lao động theo địa chỉ sử dụng, sau đào tạo người lao động có việc làm. Với những cách làm mới này, công tác đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng phục vụ trong SXKD đã có bước chuyển đáng kể". (Giám đốc Sở LĐ-TB&XH LƯƠNG KIM SƠN)

Hiện nay, nhiều DN đã chủ động liên kết với các trường cao đẳng, trung cấp để đào tạo và cung cấp lao động. Các DN đề ra nhiều giải pháp để giữ chân lao động bằng việc đảm bảo việc làm ổn định, cải thiện chế độ lương, bảo hiểm, chế độ phúc lợi... Không chỉ đối với DN, tại một số cơ sở đào tạo nghề cũng đã có những cam kết giữa nhà trường - học viên - DN về bảo đảm chất lượng đào tạo nghề theo yêu cầu của DN và học viên ra trường có việc làm ngay với mức lương ổn định.

Chỉ tính riêng năm 2017, các dự án có vốn đầu tư nước ngoài đã giải quyết việc làm cho trên 11.400 lao động trong tỉnh. Để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực trong lĩnh vực SXKD trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phấn đấu đến năm 2020 tỷ lệ lao động trong tỉnh đã qua đào tạo nghề đạt khoảng 55%, Quảng Ngãi tiếp tục chú trọng đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao, thuộc các lĩnh vực, các ngành nghề mũi nhọn. Đồng thời, tỉnh khuyến khích các DN phát triển cơ sở và tham gia giáo dục nghề nghiệp theo hình thức đặt hàng của Nhà nước và DN, gắn kết đào tạo nghề với thị trường lao động...

(Theo Báo Quảng Ngãi)


Đánh giá nội dung này
(0 đánh giá)
Đọc 5689 lần

MỚI NHẤT TỪ Quản trị viên