In trang này

SỬ DỤNG MẠNG XÃ HỘI AN TOÀN, VĂN MINH, ĐÚNG PHÁP LUẬT


Ra đời hơn 20 năm qua, Internet đã tạo nên nhiều thay đổi lớn trong đời sống kinh tế, chính trị, xã hội. Mạng máy tính ngày càng được mở rộng, các hình thức giải trí trên mạng trở nên phong phú và hiện đại. Theo tìm hiểu, Việt Nam là một trong những quốc gia có dân số trực tuyến lớn nhất khu vực ASEAN. Số liệu của Tổng cục Thống kê cũng cho biết số lượng người sử dụng internet mỗi năm trong nước đều tăng nhanh. Đây là điều kiện lý tưởng để các mạng xã hội xuất hiện và nhanh chóng phổ biến tại Việt Nam.

Thực tế, mạng xã hội đã trở nên phổ biến khi đồng hành cùng giới trẻ mọi lúc mọi nơi, kể cả khi họ sinh hoạt ăn uống, ngủ nghỉ, học tập, làm việc, giải trí… Nó dường như trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày giúp mọi người kết nối, chia sẻ mọi thứ theo cách đơn giản nhất. Những tính năng khá gần gũi với văn hóa Việt Nam cũng là nguyên nhân giúp mạng xã hội chinh phục được giới trẻ và phát triển ngày càng mạnh mẽ.

Mạng xã hội là khái niệm chỉ chung các dịch vụ kết nối thành viên, bạn bè qua Internet. Các ứng dụng này cho phép người dùng chia sẻ thông tin qua tin nhắn hoặc gọi điện trực tuyến... Có thể nói, nó là một sản phẩm khoa học trí tuệ của con người trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin như hiện nay.

Hình ảnh về một đứa trẻ học bài với chiếc đèn dầu và hàng đống sách vở đã chỉ còn trong ký ức. Học sinh sinh viên đã có được phương pháp học nhanh chóng hơn, tiếp nhận tri thức một cách dễ dàng hơn.

LỢI ÍCH CỦA INTERNET VÀ MẠNG XÃ HỘI

Tiếp cận thông tin nhanh chóng: Nhắc đến những tác động tích cực của Internet, mạng xã hội, phải kể đến vai trò tìm kiếm và chia sẻ thông tin. Internet chứa đựng kho kiến thức khổng lồ giúp các em học sinh sinh viên thoải mái tìm kiếm và chia sẻ thông tin một cách nhanh chóng phục vụ cho việc học tập. Chỉ với từ khoá đơn giản hay quét một hình ảnh, Google cũng có thể cung cấp hàng triệu thông tin về chủ đề mà người dùng mong muốn. Điều này đem đến cho học sinh, sinh viên sự thuận lợi tuyệt vời trong việc tìm kiếm những tài liệu thích hợp, những bài giải, những hình ảnh và kiến thức để có thể học tập tốt hơn.

Trao đổi thông tin thuận lợi: Mạng xã hội cung cấp cho học sinh sinh viên những phương tiện truyền đạt, trao đổi thông tin để cùng học tập một cách hiệu quả. Các em có thể tìm được những người bạn cùng sở thích, cùng yêu thích một môn học, một chuyên ngành… Từ đó các em trao đổi thông tin để cùng học tập, cùng phát triển. Khi cần liên lạc để hỏi bài nhau hay trao đổi các vấn đề về học tập, các em có Messenger, Zalo,…; khi muốn xem video bài giảng để hiểu thêm bài học các em có Youtube, Facebook,…; khi cần học trực tuyến các em có  Microsoft Teams, Zoom… Với sự hỗ trợ của Internet, không chỉ các em được kết nối với nhau, mà cả phụ huynh và giáo viên đều có thể tương tác ở bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào.

Tránh những tệ nạn xã hội: Mạng xã hội là nơi để chúng ta cập nhật, chia sẻ tất cả những thông tin, hình ảnh, sự việc diễn ra hàng ngày, cho nên bất cứ tin tức gì cũng có thể cập nhật. Ví dụ như những tin tức về các tệ nạn xã hội được chia sẻ rộng rãi và nhanh chóng trên mạng xã hội, nhờ vậy mà học sinh, sinh viên được cảnh báo trước những hiểm họa có thể diễn ra trong cuộc sống, giúp các em nâng cao được tinh thần cảnh giác.

Thư giãn sau những giờ học tập: Sau những giờ học liên tục, mệt mỏi, học sinh sinh viên sẽ căng thẳng và cần được thư giãn để nạp lại năng lượng. Mạng xã hội giúp các em xả stress hoặc giải trí hiệu quả thông qua các kênh nghe nhạc, xem video, đọc sách trực tuyến,… Các hình thức giải trí ngày nay đã được mở rộng, trở nên đa dạng và phong phú. Việc có thể nói chuyện với nhau miễn phí trên mạng xã hội cũng là cách mà các em cùng chia sẻ áp lực với nhau để vơi bớt nỗi lo lắng.

Mạng xã hội giúp mỗi con người trong đó có học sinh sinh viên tăng sự đồng cảm, quan tâm đối với những người khác thông qua các hành động yêu thích (like), chia sẻ (share) hoặc bày tỏ các cảm xúc của bản thân đối với những bài viết, hình ảnh hay các chia sẻ của người khác. Cũng thông qua mạng xã hội, sự đồng cảm, sẻ chia, an ủi, động viên của người khác bằng cách bày tỏ các cảm xúc, tâm trạng của mình.

Mạng xã hội đã xóa đi khoảng cách không gian, thời gian, đem đến cơ hội học tập và giáo dục rộng mở cho học sinh sinh viên. Ngoài mục đích giải trí thì Internet và mạng xã hội còn hỗ trợ cho các em trong việc học tập những kiến thức theo chương trình giáo dục phổ thông. Những ứng dụng trong giáo dục trực tuyến trên mạng giúp các em ở vùng nông thôn có cơ hội học tập, rút ngắn khoảng cách trong việc tiếp cận thông tin, tri thức của học sinh sinh viên giữa các vùng, miền.

Ngoài ra các em rất dễ dàng tìm hiểu những tri thức, kiến thức về cuộc sống và có thể thực hành các thao tác theo hướng dẫn để hoàn thành một việc mà các em mong muốn. Điều này khẳng định Internet và mạng xã hội giúp các em tự học và chủ động hơn trong việc chiếm lĩnh tri thức, kỹ năng sống … Internet và mạng xã hội còn giúp cho việc học tập của các em chủ động hơn trong những hoàn cảnh đặc biệt như dịch bệnh hay thiên tai xảy ra. Cụ thể như năm học 2020 – 2021 và 2021-2022 khi đại dịch COVID 19 xảy ra, phải thực hiện việc giãn cách xã hội nhưng việc học tập của các em vẫn không bị gián đoạn.

Tuy nhiên, cùng với những ích lợi to lớn ấy, Internet và mạng xã hội cũng mang đến nhiều tác hại, tiềm ẩn không ít những hiểm họa, làm cho học sinh sinh viên gặp phải nhiều vấn đề vô cùng phức tạp, khó lường trước.

TÁC HẠI CỦA INTERNET VÀ MẠNG XÃ HỘI

Ảnh hưởng không tốt đến hoạt động sống: Những hoạt động sống cơ bản của học sinh sinh viên như ăn, ngủ, học tập, giải trí sẽ bị ảnh hưởng xấu nếu các em lạm dụng mạng xã hội. Do các em thường xuyên sử dụng mạng xã hội vào những lúc mà lẽ ra cơ thể cần được nghỉ ngơi để tái tạo năng lượng. Khi các em sử dụng nó lúc ăn, thì sẽ bị mất tập trung, làm gián đoạn quá trình hấp thu thức ăn, gây ra các hiện tượng như rối loạn tiêu hóa, hiện tượng đầy bụng, đau dạ dày. Còn nếu các em sử dụng mạng xã hội trước khi đi ngủ sẽ làm giảm sút chất lượng giấc ngủ, khiến cho thời gian ngủ bị ngắn lại, gây tình trạng mất ngủ trầm trọng, khiến cơ thể mệt mỏi. Đặc biệt, nếu các em tiếp nhận được các thông tin xấu, gây hoảng loạn tinh thần, hay những lời góp ý không thiện chí, những vấn đề tiêu cực bên ngoài khiến cho các em bị ảnh hưởng tới tâm lý.

Mất quá nhiều thời gian: Thời gian là vàng bạc, nhưng học sinh sinh viên hiện nay lại dành quá nhiều thời gian để lướt web, chát chít trên mạng xã hội mà không chú tâm vào việc cần làm. Những em sử dụng điện thoại thông minh hoặc có laptop thì sẽ có thời gian vào mạng nhiều hơn, tần suất đều đặn và phần lớn thời gian truy cập mạng xã hội với những câu chuyện hấp dẫn tràn lan trên mạng. Rất nhiều học sinh sinh viên lạm dụng mạng xã hội, các em khó có thể kiềm chế được bản thân khi lướt facebook, Zalo, xem Youtube... Chắc hẳn các em đều nhận ra rằng khoảng thời gian mà mình có mỗi ngày được dùng cho các hoạt động thư giãn, giải trí là rất ngắn. Khi quá chú tâm vào mạng xã hội sẽ khiến cho các em bị phụ thuộc vào nó, làm giảm chất lượng học tập, hơn thế nữa là giảm chất lượng cuộc sống. Các em hãy nhìn lại tất cả vấn đề này sẽ thấy rằng mình đang hoặc đã trở thành con nghiện của mạng xã hội.

Nguy cơ nghiện game và mắc bệnh trầm cảm: Đây được xem là tác hại lớn nhất của internet và mạng xã hội đối với học sinh, sinh viên. Nhiều em đã bỏ học, ăn cắp tiền để theo đuổi những trò chơi trực tuyến. Không những nó làm sa sút tinh thần, ảnh hưởng sức khỏe, tương lai và sự nghiệp của các em mà còn là con đường dẫn đến các tệ nạn trong xã hội. Nhiều học sinh, sinh viên vì cả tin đã bị các đối tượng tội phạm lừa gạt, hãm hại. Hành vi bạo lực có quay clip và tung lên mạng khiến cho bạo lực học đường trong nhiều năm qua không ngừng tăng cao.

Bên cạnh đó, những trào lưu văn hóa lệch lạc, những hành vi thiếu chuẩn mực đạo đức được chia sẻ và tung hô trên mạng xã hội tạo thành một làn sóng mạnh mẽ, khó kiểm soát. Điều này dẫn đến sự lệch lạc trong hành vi và cách ứng xử của nhiều học sinh sinh viên.

Ngoài ra, những nghiên cứu gần đây cũng cho thấy, người sử dụng mạng xã hội càng nhiều thì càng cảm thấy tiêu cực hơn, thậm chí có thể dẫn đến trầm cảm.

SỬ DỤNG MẠNG XÃ HỘI AN TOÀN, VĂN MINH, ĐÚNG PHÁP LUẬT

Khi chia sẻ thông tin, đưa ra ý kiến, bình luận, … trên mạng xã hội là việc mà mỗi cá nhân đã thực hiện một hành vi liên quan tự do ngôn luận. Ý kiến, bình luận, chia sẻ… có ý nghĩa tích cực hay tiêu cực, văn hóa hay phản văn hóa, đều trực tiếp tác động đến người tiếp nhận. Như vậy, hành vi nêu trên không còn ở trong giới hạn phạm vi cá nhân, mà là hoạt động cộng đồng. Vượt qua giới hạn đó, người sử dụng mạng xã hội sẽ tự đẩy mình đến chỗ vi phạm pháp luật.

“Có nên cho học sinh sinh viên tiếp xúc với mạng xã hội hay không” luôn là chủ đề gây tranh cãi. Nhiều phụ huynh cấm, không cho phép con mình dùng điện thoại và mạng xã hội. Tuy nhiên điều này rất dễ phản tác dụng vì tuổi trẻ thường thích khám phá và tò mò, việc cấm các em sử dụng đôi khi lại là điều kích thích khiến các em lén dùng mạng xã hội. Thay vì cấm thì phụ huynh có thể hướng dẫn các em sử dụng mạng xã hội an toàn, hiệu quả, có văn hóa, cụ thể:

Cần giới hạn thời gian sử dụng mạng xã hội

Phụ huynh nên giới hạn thời gian sử dụng mạng xã hội cho con em mình. Với các em còn nhỏ, phụ huynh nên giới hạn mục đích sử dụng của các em. Việc sử dụng internet và mạng xã hội chỉ để liên lạc, trao đổi học tập với bạn bè, thầy cô và tìm kiếm thông tin dưới sự giám sát của phụ huynh. Hoặc các em có thể sử dụng mạng xã hội để giải trí sau thời gian học tập hay hoàn thành công việc.

Cần Bảo mật thông tin cá nhân

Trong quá trình sử dụng mạng xã hội không nên chia sẻ những thông tin cá nhân như tên thật, tuổi, trường lớp, địa chỉ nhà, ảnh cá nhân hay các loại mật khẩu. Phụ huynh cũng nên hướng dẫn con em bảo mật tài khoản 2 lớp để tránh bị kẻ gian lấy cắp tài khoản. Đối với những bài đăng lên mạng cũng nên giới hạn người xem là bạn bè, để tránh sự nhòm ngó từ người lạ, người xấu.

Cần Cẩn trọng trong việc chia sẻ thông tin

Trước khi đăng bài, chia sẻ, bình luận bất cứ thông tin gì học sinh sinh viên cần tìm hiểu và suy nghĩ kỹ. Vì những bài đăng trên mạng sẽ có nhiều người xem, có thể sẽ bị người khác đánh giá, bình luận tiêu cực khiến các em cảm thấy buồn hay lo sợ, thậm chí có cảm giác bị xúc phạm dẫn đến những suy nghĩ cực đoan.

Bên cạnh đó, thông tin được đăng tải trên mạng xã hội không phải lúc nào cũng đúng. Có rất nhiều thông tin sai sự thật, kích động chống phá nhà nước... Nếu không tìm hiểu kỹ thì các em có thể tin tưởng vào các nguồn tin sai trái, chia sẻ, làm ảnh hưởng đến nhận thức của các em, đồng thời tiếp tay cho kẻ xấu lan truyền tin giả dối, độc hại.

Cần ứng xử có văn hóa

Nhiều học sinh sinh viên có suy nghĩ mạng xã hội là ảo, nên có làm gì thì cũng không ảnh hưởng đến bản thân và người khác. Tuy nhiên, mạng cũng là một xã hội thu nhỏ, tất cả những điều các em làm trên mạng đều có thể ảnh hưởng đến bản thân và ngững người tiếp nhận thông tin.

Khi nhìn thấy nội dung có tính bạo lực, học sinh sinh viên không nên bình luận, chia sẻ; khi tiếp nhận điều không vui, không thích, đừng bình luận, chê bai, chỉ trích nặng nề; gặp một chủ đề gây tranh cãi, không nên bất chấp tất cả để bảo vệ ý kiến của mình. Khi buồn bực, hãy rời khỏi thiết bị, ra bên ngoài không gian thoáng mát để tinh thần phấn chấn trở lại, không nên trút giận lên những người mà mình nhìn thấy trên mạng xã hội. Vì tất cả những hành động thiếu suy nghĩ đều có thể làm người bị chỉ trích thấy buồn và mặc cảm, nghiêm trọng hơn, có thể khiến người khác tổn thương tinh thần, dẫn đến trầm cảm, thậm chí là tự tử.

Vì vậy, hãy sử dụng mạng xã hội một cách văn minh, không hùa theo cộng đồng mạng để chửi rủa, miệt thị người khác. Nếu có điều gì buồn bực hay bất đồng quan điểm với bạn bè, người thân, hãy chọn cách nói chuyện trực tiếp để cùng nhau đưa ra cách giải quyết phù hợp. Mạng xã hội là ảo nhưng nỗi đau là thật, đừng để một dòng chữ trong lúc thiếu suy nghĩ làm ảnh hưởng đến cuộc đời của một người khác.

Cần nhận biết các thông tin lừa đảo

Hiện nay có rất nhiều dạng lừa đảo qua mạng. Kẻ xấu có thể tạo một tài khoản ảo, kết bạn và trò chuyện với người đang sử dụng mạng xã hội để lấy lòng tin sau đó dò hỏi những thông tin cá nhân hoặc dùng công nghệ để ăn cắp thông tin cá nhân như mật khẩu, danh bạ… Học sinh sinh viên luôn ghi nhớ “không chia sẻ thông tin cá nhân” để không trở thành nạn nhân của những tên lừa đảo. Ngoài ra, hãy cẩn thận với các trò chơi trúng thưởng, các đường link lạ để tránh bị mất tài khoản hay bị đánh cắp thông tin.

Sử dụng mạng xã hội đúng pháp luật: Với mục đích phát triển mạng xã hội văn minh tại Việt Nam, xây dựng chuẩn mực đạo đức về hành vi, ứng xử trên mạng xã hội cho người dân, Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành ngày 17/6/2021 xác định 4 tiêu chí chung gồm: Tôn trọng, tuân thủ pháp luật; Lành mạnh; An toàn, bảo mật thông tin; Trách nhiệm. Đây được xem là điều chỉnh các hành vi ứng xử, chuẩn mực đạo đức, văn hóa trên môi trường mạng và có tính chất khuyến nghị đối với các tổ chức, cá nhân, nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội. Đó vừa là biện pháp giúp họ tự vệ trước những thông tin xấu, không lành mạnh, độc hại; vừa là giới hạn để không vi phạm các quy định pháp luật, tiêu chuẩn cộng đồng và đạo đức xã hội.

Hãy tuyên truyền, giáo dục học sinh sinh viên hiểu và thực hiện quyền tự do ngôn luận, nghĩa vụ, trách nhiệm của bản thân với tư cách công dân Việt Nam.

Không đăng tải những nội dung vi phạm pháp luật, các thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác; sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục; tung tin giả, tin sai sự thật... gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội; đồng thời, bảo vệ “người yếu thế” trên mạng xã hội, đặc biệt là trẻ em, trẻ vị thành niên, vì đó là đối tượng dễ bị tổn thương trên không gian ảo.

Không đăng tải những nội dung xuyên tạc, không đúng sự thật nhằm bôi nhọ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác; Không lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân...

Bên cạnh các quy định, chế tài xử lý của pháp luật, điều quan trọng nhất vẫn là ý thức của học sinh sinh viên, những người sử dụng mạng xã hội. Để tránh những sự việc đáng tiếc xảy ra, học sinh sinh viên hãy nâng cao tinh thần trách nhiệm với bản thân và cộng đồng bằng cách sử dụng mạng xã hội an toàn, văn minh, đúng pháp luật.

PHÒNG TUYỂN SINH VIỆC LÀM VÀ TRUYỀN THÔNG


Đánh giá nội dung này
(0 đánh giá)
Đọc 2426 lần

MỚI NHẤT TỪ Quản trị viên